Gói bánh chưng là một trong những tập tục không thể thiếu trong dịp Tết đến xuân về!

Ở Việt Nam ta, từ ngàn đời xưa cho đến tận ngày nay, đều coi Tết Nguyên đán (âm lịch) là cái Tết vô cùng trọng đại. Đó là Tết cổ truyền của dân tộc. Thường rơi vào tháng 2, năm mới dương lịch. Ngày Tết dương lịch ít người ăn Tết, thường bỏ qua, nhưng Tết Nguyên đán (tính theo tiết âm lịch) thì không thể bỏ qua được. Ngoài chuẩn bị từ đầu năm trước cho 3 ngày Tết (30 tháng Chạp; mùng 1 và 2 của năm mới âm lịch), người ta đã phải ý đến nguồn thực phẩm chủ yếu vẫn là chăn nuôi lợn, gà… đến các sản phẩm nông nghiệp khác: Gạo nếp, đậu xanh, rau củ quả loại ngon được dùng nhiều trong dịp Tết. Đời sống càng khó khăn thì người ta càng nỗ lực hơn cho ngày Tết được đủ đầy, sum vầy vui vẻ. Cho con trẻ được vui tươi (từ mua sắm cho bộ quần áo mới) và để khỏi mang tiếng là không có Tết!

Trước Tết, mọi nhà dọn cửa nhà, lau bàn ghế, bàn thờ, bát hương. Dọn sân vườn, đốt lá cho thật quang đãng, sạch sẽ. Dặn nhau là vợ chồng không được gây mâu thuẫn, xích mích với ai để khỏi "giông" cả năm. Làm mất đi tình đoàn kết trong nhà hay làng xóm. Người ta tranh thủ thời gian quét dọn, làm cỏ, quét vôi những ngôi mộ xây (không ốp gạch như bây giờ). Có người tranh thủ đi chơi sớm trước Tết với anh em, bạn bè xa, sợ Tết bận bịu, không đến chơi được. Khách đến chơi, chủ và khách đều niềm nở, mang lại tinh thần đoàn kết, thân ái. Gắn kết được tình cảm gia đình thân thích. Hỏi thăm nhau sức khỏe, hỏi nhau xem Tết đã chuẩn bị đến đâu, bao giờ gói bánh chưng, con cháu học tập, công tác thế nào?… Đây là sự quan tâm tình cảm thân tình như ruột thịt; nếu có điều kiện, mời nhau uống chén rượu "nhạt", còn không thì uống chén trà làm đầu câu chuyện, rồi trở về chuẩn bị củi lửa, lá dong, gạo nếp gói bánh chưng cho kịp Tết…

Những nhà khá giả, thì mua sắm, bày biện mâm ngũ quả từ sau ngày ông Công, ông Táo lên trời 23 tháng Chạp. Chuẩn bị từ nải chuối, quả bưởi, đĩa cam…, khi mâm cơm cúng tiễn ông Công, ông Táo lên trời hoàn tất, cả gia đình bắt tay làm việc để các việc được xong xuôi trước Tết. Có người tranh thủ làm đất để cấy lúc vụ chiêm xuân. Thu hoạch vào tháng 4-5 âm lịch. Nhà nghèo thì sắm Tết muộn hơn có khi đến ngày 27 đến 29 mới bày mâm ngũ quả cho ngày Tết.

Trong 3 ngày Tết, là ngày hội ngộ, mong ngóng người ở xa trở về gia đình tập trung ăn uống vui vẻ. Tùy theo cách thức tổ chức, ăn uống vui chơi theo từng gia đình, vùng miền cũng khác nhau. Nhưng người ta thường đi chúc Tết nhau vào sáng mùng 1 hoặc mùng 2 của năm mới. Trong đó có đi chúc Tết cha mẹ (nếu không ở cùng nhà), rồi Tết thày cô… những người được cho là giúp đỡ con em mình trong học hành tiến bộ. Đi lễ phật đầu năm, để tâm hướng về điều thiện, chứ không sa vào mê tín, dị đoan. Nó trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống: Yêu thương, kính trọng ông bà, cha mẹ và truyền thống "Tôn sư trọng đạo". Đều hướng tới những giá trị nhân văn, tốt đẹp. Ngày Tết, khuyên nhủ nhau làm ăn thật thà, giữ gìn đạo đức, phẩm giá con người. Không buôn điêu, bán gian, không làm những điều gì xằng bậy, ảnh hưởng tới truyền thống gia đình dòng tộc  hay người ngoài xã hội. Khi ra đường không khoe mẽ, khoe thân, tôn trọng người khác. Đi đứng cẩn thận. Vì thế tai nạn rất ít xảy ra.

Tết làng quê (nhiều nơi), chưa thật sự giàu có về vật chất nhưng nó rất ấm áp tình người, làm cho con người sống với nhau chan hòa, tình cảm bền chặt…

Sau 3 ngày Tết là hóa vàng. Tập trung làm mâm cơm kết thúc Tết, rồi lại bắt tay vào công việc của mỗi người. Việc đầu tiên là nghĩ đến việc trồng cây. Nhiều trục đường, hay các bờ vùng, bờ thửa, các hàng cây được trồng như: Phi lao, bạch đàn; trong các vườn là những cây ăn quả táo, bưởi, cam, quýt… Đây đó, những mảnh ruộng cấy sớm, cây lúa đã bén rễ lên xanh. Những mảnh đất chưa cấy cũng được làm đất kỹ và khẩn trương cấy hết cho kịp thời vụ. Câu mà nhà nông hay nói đó là: "Chiêm phấp phới, mùa đợi nhau". Nghĩa là lúa chiêm nếu cấy trước thì ra đòng, lúa chín trước. Cấy sau lúa chín sau, thì thu hoạch sau. Cho nên cấy cùng một thời gian, lúa chín đều, thu hoạch được thuận tiện. Vẫn làm sao để cho đồng ruộng tăng năng suất, cho mùa vụ được bội thu…

Xong Tết, người ở xa trở lại cơ quan, đơn vị, thấy lòng thư thái. Gặp lại anh em, ai nấy đều phấn chấn vui tươi. Rồi tiếp tục lao động, sản xuất.

Người ở lại, qua cuộc hội ngộ ngày Tết thấy tràn niềm vui. Khi chia tay người thân lại cảm thấy bùi ngùi, xúc động. Cảm xúc rõ nhất là những người già đều mừng vui khi con cháu phương trưởng. Thấy con trẻ mau lớn, thì mình lại thấy mau già. Mỗi một cái tết như thế, làm cho chúng ta được nghỉ ngơi, nuôi dưỡng tinh thần. Tạo ra niềm tin yêu, tăng thêm sức lực mới…

Ngày Tết càng ít tệ nạn cờ bạc, rượu chè say xỉn, trộm cắp, không dùng ma túy… thì cuộc sống của chúng ta càng nhẹ nhàng, bình an. Tết vẫn chỉ là bánh chưng, giò lụa, vẫn là con gà, đĩa xôi… nhưng nó vẫn giữ được những món ẩm thực đặc biệt, hương vị quen thuộc của ngày Tết. Đây là những món ăn ngon, bổ dưỡng không chỉ người Việt Nam ưa chuộng mà người nước ngoài đến Việt Nam ăn Tết cũng đều thích thú. Ăn uống, chơi bời, chúc Tết nhau trong năm mới… đã có cả ngàn năm vẫn là những nét đẹp văn hóa rất cần được phát huy và giữ gìn.

Nguyễn Việt Tiến