Nhồi máu cơ tim là hiện tượng một cục huyết khối đột ngột làm tắc động mạch vành, làm cho máu không chảy đến nuôi được phần cơ tim và làm một phần cơ tim bị chết. Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm, Việt Nam có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm 33% ca tử vong, cao hơn cả số người chết vì ung thư. Trong đó, có tới 85% là do nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Bệnh có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào và có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Theo số liệu thống kê năm 2023, tỷ lệ nhồi máu cơ tim ở người trẻ đã tăng lên đến 10%.

Nguyên nhân dẫn đến nhồi máu cơ tim gồm: Béo phì, cao huyết áp, xơ vữa động mạch, cục máu đông đi từ chỗ khác tới hoặc hình thành ngay trên mảng xơ vữa hay viêm tắc động mạch.

Dấu hiệu nhận biết

Theo các chuyên gia y tế, dấu hiệu nhồi máu cơ tim thường bị nhầm lẫn hoặc bỏ qua và cũng có thể là triệu chứng của nhiều bệnh khác. Dưới đây là những dấu hiệu giúp nhận biết cơn nhồi máu cơ tim có thể xảy ra:

- Cơn đau thắt ngực: Đau như bị bóp nghẹt giữa ngực hoặc hơi lệch sang trái, có những trường hợp đau có thể lan ra cổ, cằm, vai, sau lưng, tay phải hoặc vùng thượng vị, cơn đau thường kéo dài nhiều phút và không giảm đi khi dùng Nitroglycerin. Đôi khi nhồi máu cơ tim có thể xảy ra mà không có hoặc ít cảm giác đau (gọi là nhồi máu cơ tim thầm lặng), đặc biệt phổ biến ở bệnh nhân sau phẫu thuật, người già, bệnh nhân có tiểu đường hoặc tăng huyết áp.

- Ngoài cơn đau thắt ngực, còn có thể gặp các triệu chứng khác như: Đổ mồ hôi, khó thở, cảm giác hồi hộp đánh trống ngực, buồn nôn hoặc nôn, lú lẫn… rối loạn tiêu hoá cũng thường gặp trong trường hợp này.

- Đột tử: Đột tử là trường hợp nặng nề nhất của nhồi máu cơ tim cấp, thường do tắc cấp mạch lớn (thân chung động mạch vành, động mạch vành phải).

Xử trí người có dấu hiệu nhồi máu cơ tim

Việc xử trí người có dấu hiệu nhồi máu cơ tim ban đầu rất quan trọng. Các chuyên gia y tế khuyến nghị, khi phát hiện người bệnh bị nhồi máu cơ tim cấp, cần nhanh chóng liên hệ ngay cấp cứu, đồng thời thực hiện các bước sơ cứu nhồi máu cơ tim tại chỗ.

Đầu tiên, giữ bệnh nhân ở tư thế ngồi hoặc nằm, nới lỏng quần áo, thắt lưng, tránh vây chung quanh người bệnh, nên giữ thông thoáng không gian quanh người bệnh, giúp máu lưu thông dễ dàng.

Gọi điện thoại cấp cứu (115) ngay lập tức. Trường hợp không thể chờ xe cứu thương của bệnh viện gần nhất hỗ trợ, hãy chủ động chuyển người bệnh đến bệnh viện, cơ sở y tế gần nhất.

Cho bệnh nhân nhai/nuốt một viên aspirin trong khi chờ xe cấp cứu nếu bác sĩ cho phép. Aspirin có tác dụng ngăn ngừa tình trạng đông máu, giảm tổn thương tim. Lưu ý, không dùng aspirin cho bệnh nhân dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc.

Trường hợp bệnh nhân bất tỉnh và không còn thở, tiến hành ép tim ngoài lồng ngực (hồi sinh tim phổi) càng sớm càng tốt vì mỗi phút chậm trễ, người bệnh có thể mất đi 10% cơ hội được cứu sống.

Để phát hiện sớm nguy cơ nhồi máu cơ tim, mọi người cần thăm khám sức khỏe định kỳ ít nhất 6 tháng một lần, đặc biệt đối với đối tượng thuộc nhóm nguy cơ cao (người lớn tuổi, tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì, rối loạn mỡ máu, tiền căn sử dụng chất kích thích…).

                                                                                  Thành An