CCB Trần Minh Quang, sinh năm 1932, trên 60 năm tuổi Đảng, Trưởng ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên T.P Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc; là Đội trưởng bác sĩ tình nguyện, hoạt động tại Hội Chữ thập đỏ T.PVĩnh Yên.  

Ông Quang kể: Năm 1946, mới 14 tuổi, ông đã tham gia kháng chiến, làm liên lạc cho Đội thanh niên xung phong. Tháng 3-1948, ông được cử đi học lớp cứu thương 3 tháng. Sau chiến thắng Biên giới năm 1950, ông được đào tạo 6 tháng thành y tá, vào bộ đội, rồi phục vụ trực tiếp tại mặt trận Điện Biên Phủ năm 1954, trong đội hình e165, f312, với cương vị Y tá trưởng - tương đương Trung đội trưởng. Ông Trần Minh Quang đã tham gia cứu chữa cho hàng chục thương binh nặng tại mặt trận. Chính tại đây, một thương binh do ông cứu chữa tặng lại chiếc dù màu do quân Pháp thả hàng tiếp viện nhầm vào trận địa quân ta tại mặt trận, nơi người thương binh nhặt được.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, cấp trên chọn ông đi đào tạo thành bác sĩ quân y. Năm 1966, tốt nghiệp chuyên Khoa Ngoại đại học Quân y, ông được điều động sang chiến trường nước bạn Lào, trong Đoàn chuyên gia quân sự, trực tiếp phục vụ các chiến dịch Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng, Sầm Nưa… Những năm 1960, 1970, ở chiến trường nước bạn còn nhiều gian nan, thiếu thốn và gian khổ, ác liệt, ông Quang và đồng đội đã vượt qua tất cả nhờ ý chí, nghị lực và quyết tâm của tuổi trẻ. Ông không những hoàn thành tốt nhiệm vụ của một bác sĩ, trực tiếp tham gia mổ cho thương binh Lê Thuỳ (sau này là Trung tướng, Phó tư lệnh Quân khu 2), ông còn làm nhiệm vụ pha chế thuốc khi cần. Trong thời gian công tác tại Lào, ông Quang được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì và Huân chương của Nhà nước Lào, do hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Trạm trưởng trạm phẫu thuật tiền phương. Năm 1975, ông về nước, đi đào tạo chuyên khoa tại Học viên Quân y. Kết thúc khóa đào tạo, ông Quang được giữ lại làm giáo viên Học viện Quân y. Năm 1978, ông là Trưởng ban Quân y Học viện Kỹ thuật quân sự. Năm 1988, ông về nghỉ hưu theo chế độ.

Về hưu nhưng là một thầy thuốc, tháng 3-1993, ông làm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Liên Bảo. Từ năm 2006 đến 2018, ông Quang làm Đội trưởng đội bác sĩ tình nguyện, thuộc Hội Chữ thập đỏ T.P Vĩnh Yên… Ông cùng các cống sự cấp cứu cho nhiều trường hợp bị bệnh hiểm nghèo, đột quỵ… Ông tâm sự: “Tôi nghĩ giá trị của nhân đạo là vô giá! Sức mạnh của nhân đạo là trường tồn. Vì lòng nhân ái là điều tốt đẹp vững chắc nhất trong quan hệ người với người”.

Năm 2012, ông Trần Minh Quang đã tặng chiếc dù màu là kỷ vật của ông trong chiến dịch Điện Biên Phủ cho Bảo tàng Quân khu 2. Năm 2013, ông Quang chuyển tiếp chiếc áo lụa của cha ông được Bác Hồ tặng cho Bảo tàng Cách mạng Việt Nam - khi cha ông làm nhiệm vụ ở Công binh xưởng, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tại ATK. Khi ấy, cha của ông làm nhiệm vụ dưới sự chỉ huy của Thiếu tướng Cục trưởng Quân giới Trần Đại Nghĩa.

Năm 2018, chuẩn bị cho dịp kỷ niệm 65 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Quang tặng tiếp 5 kỷ vật cho Bảo tàng tỉnh Điện Biên. Đó là tấm dù hoa để phục vụ cho ngụy trang khi còn trong quân ngũ; là đoạn dây dù trước đây từng phục vụ cho cứu chữa thương binh (đã dùng làm dụng cụ cấp cứu cấp tốc ga-rô cho thương binh) khi cần thiết ở mặt trận Điện Biên Phủ; tài liệu để chỉ huy trong chiến đấu của Chính trị viên phó tiểu đoàn Dương Tùng khi đánh đồi Độc Lập; tài liệu của ông tổng hợp khi còn là y tá phục vụ tại mặt trận và bản tổng hợp những hoạt động của Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên tỉnh Vĩnh Phúc năm 2016.

Khi tuổi đã cao, sức khỏe giảm, nhưng ông Trần Minh Quang vẫn tiếp tục làm bác sĩ tình nguyện. Chỉ vào túi thuốc treo ở ghi đông xe đạp điện của mình, ông Quang cười, nói: “Chúng tôi là những người lính áo trắng đi làm nhân đạo khi nào mọi người cần, là có mặt ngay. Trong suy nghĩ của tôi, không bao giờ đặt ra là làm việc này sẽ được cái gì cụ thể cho bản thân. Vì tôi luôn ghi nhớ lời Bác Hồ nói: “Hễ việc gì có lợi cho dân, cho nước thì cố gắng làm cho tốt”!

Tôi viết những dòng này khi biết tin ông vừa về cõi vĩnh hằng được 1 tuần. Tôi coi đây là nén tâm hương kính viếng bác sĩ - chiến sĩ Điện Biên Phủ - Trần Minh Quang vô cùng quý mến!

Hà Đống