Kinh tế Việt Nam với mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 từ 6-6,5%.

Năm 2024 - năm Giáp Thìn, năm của con Rồng, một biểu tượng của sức mạnh, sự sáng tạo và sự tốt lành. Đây là một năm với nhiều hứa hẹn lạc quan cho nền kinh tế Việt Nam.

Theo Nghị quyết số 103/2023/QH15 của Quốc hội, mục tiêu tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2024 là từ 6-6,5%. Đây là mục tiêu thách thức, nhưng hoàn toàn khả thi. Dự báo của Ngân hàng thế giới và các tổ chức quốc tế về tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2024 đều khá lạc quan, với mức tăng trưởng dự kiến từ 6-6,5%.  

Chúng ta có thể đạt được mức tăng trưởng GDP nói trên là nhờ các động lực tăng trưởng tiếp tục được duy trì và phát huy hiệu quả: Xuất khẩu sang các thị trường lớn, như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản..., với các mặt hàng như điện thoại, máy tính, hàng dệt may, giày dép, nông sản…Đầu tư trong nước và nước ngoài sẽ tăng từ 10-15%, tập trung vào các lĩnh vực như công nghiệp chế biến, chế tạo; tăng trưởng xanh; công nghệ cao... Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đều dự báo tiêu dùng nội địa của Việt Nam trong năm sẽ đạt 285 tỷ USD; tiêu dùng nội địa đạt 280 tỷ USD.

Các yếu tố chính tác động đến tăng trưởng là nền kinh tế phát triển, tạo ra thu nhập và việc làm cho người dân, thúc đẩy tiêu dùng nội địa, mở ra nhiều cơ hội. Đồng thời với  việc mở cửa của nền kinh tế Trung Quốc; tăng trưởng kinh tế của các nước ASEAN; chuyển dịch sang kinh tế xanh sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu.

Tuy nhiên, trong năm 2024, thách thức đặt ra cũng không hề nhỏ. Rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu là một thách thức, đặc biệt là xuất khẩu; lạm phát cao là một thách thức đối với thu nhập và chi tiêu của người dân, cũng như chi phí sản xuất của doanh nghiệp. Một thách thức khác là giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng cao làm giảm lợi nhuận và khả năng cạnh tranh. Tuy nhiên, thách thức nhiều khi cũng chính là các cơ hội, nếu chúng ta biết tận dụng sức ép của chúng để đổi mới và sáng tạo hơn nữa.

Tóm lại, tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam trong năm 2024 dự kiến sẽ có nhiều điểm sáng, nhưng cũng có những thách thức cần được vượt qua. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng từ 6-6,5%, chúng ta cần tận dụng tốt các cơ hội và vượt qua các thách thức.

Một trong những cơ hội đáng kể, chính là kinh tế đối ngoại. Đồng thời với thúc đẩy kinh tế trong nước, Việt Nam phải phát huy được sức mạnh tổng hợp, hiệp đồng giữa các ngành, các cấp; phối hợp triển khai ngay các thỏa thuận, cam kết quốc tế đã ký kết ngày càng bài bản và hiệu quả hơn, nhất là với những nước có nền kinh tế phát triển trên thế giới, cũng như trong khu vực; nắm bắt cơ hội từ xu hướng đầu tư của các tập đoàn kinh tế nước ngoài lớn, nhất là sau khi nước ta và Mỹ xác lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, cần có chiến lược hỗ trợ các tập đoàn, doanh nghiệp trong nước đủ điều kiện hợp tác với các đối tác ngoài nước.

Việt Nam đến nay là nền kinh tế lớn thứ 11 châu Á, nằm trong nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, 30 nền kinh tế có thương mại lớn nhất, là một trong 3 nước thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất trong ASEAN và có mạng lưới liên kết kinh tế sâu rộng, đa tầng nấc, trong đó đã ký 16 FTA bao trùm tất cả các nền kinh tế chủ chốt của thế giới - và chính đây là cơ hội lớn cho nền kinh tế Việt Nam cất cánh.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng