Hội NNCĐDC/dioxin huyện Bình Giang tổ chức khánh thành, bàn giao nhà tình nghĩa cho bà Trần Thị Thu ở thôn Nhuận Đông, xã Bình Minh.

Hiện nay, cả nước có khoảng hơn 4,8 triệu người bị phơi nhiễm, trong đó hơn 3 triệu người là nạn nhân; hàng trăm ngàn nạn nhân đã chết và hàng triệu nạn nhân hiện đang phải vật lộn với các bệnh tật hiểm nghèo do di chứng của chất độc da cam như: ung thư, đái tháo đường, thần kinh bại liệt… Đáng ngại nhất hiện nay là di truyền xuyên thế hệ, ảnh hưởng đến giống nòi gây đột biến gen cho các thế hệ con, cháu của người tham gia hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam. Chỉ tính riêng trong huyện Bình Giang, toàn huyện có 855 nạn nhân, trong đó 675 nạn nhân là người trực tiếp tham gia kháng chiến, 180 nạn nhân là con đẻ của người tham gia kháng chiến; 136 hộ có từ 2 đến 4 nạn nhân.

Gia đình ông Phạm Văn Dung ở thôn Bì Đổ, xã Cổ Bì và gia đình ông Đào Ngọc Chiểu ở thôn My Cầu, xã Tân Hồng là hộ gia đình có 4 nạn nhân trong đó có nạn nhân bị tật nguyền, tai không thể nghe rõ, mắt không thể nhìn thẳng, miệng không thể nói rõ, chân không thể bước vững, tay không thể hoạt động, não không thể tư duy, vệ sinh cá nhân không thể tự chủ được, gào thét, quậy phá bất kỳ lúc nào cả ngày lẫn đêm.

Chia sẻ nỗi đau bất hạnh đối với các nạn nhân bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học, Hội NNCĐDC/dioxin huyện Bình Giang có nhiều hoạt động thiết thực như: thăm hỏi tặng quà, tặng sổ tiết kiệm, tặng con giống vật nuôi, công cụ sản xuất, xây nhà tình nghĩa.

5 năm qua, Huyện hội báo cáo với Thường trực Huyện ủy, lãnh đạo UBND huyện vận động toàn dân ủng hộc Quỹ “Vì nạn nhân chất độc da cam” 2 lần, được gần 180 triệu đồng. Hằng năm, nhân dịp Tết Nguyên đán và kỷ niệm Ngày thảm hoạ da cam ở Việt Nam (10-8), Thường trực huyện Hội triển khai vận động giúp đỡ nạn nhân được 568 triệu đồng. Quỹ của huyện duy trì mức 1 tỷ đồng, Quỹ ở các xã thị trấn bình quân trên 2,5 triệu đồng/nạn nhân.

Có thể nói thảm họa của chất độc da cam/dioxin vẫn đang hiện hữu trên đất nước Việt Nam nói chung và huyện Bình Giang nói riêng là rất nặng nề. Trước nỗi đau của các nạn nhân chất độc da cam, chẳng thể cho phép chúng ta vô cảm. Khắc phục hậu quả thảm họa chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam là lương tâm và trách nhiệm của cả cộng đồng, xã hội và của mọi người dân chúng ta.

Nhữ Văn Tới