Vừa rồi, có phụ huynh than thở với tôi về chuyện con họ nghiện điện thoại đến mức học hành sa sút. Trước đây, cháu rất ham học và học giỏi. Những buổi tối, sau khi học bài, ôn bài chuẩn bị cho ngày hôm sau đến lớp là cháu xem tivi một chút rồi đi ngủ. Cuối tuần, được nghỉ học, ba mẹ cho cháu đi học nhóm, vui chơi lành mạnh với bạn hoặc ở nhà làm những gì cháu thích. Nhưng giờ thì trật tự đã đảo lộn bởi chiếc điện thoại thông minh. Ngoài giờ lên lớp, suốt ngày cháu ôm chiếc điện thoại để chơi game online. Do đó, thời gian giải trí với bạn bè, ôn bài, sum họp với gia đình bị thu hẹp lại. Phần lớn cháu nhốt mình trong phòng để chơi game, xem Youtube, TikTok, vào Facebook đăng ảnh, quay clip...

Số là, bố cháu hứa nếu tốt nghiệp Tiểu học với thứ hạng cao thì cháu sẽ được thưởng một chiếc điện thoại thông minh. Bố mẹ cháu đã không lường trước được hậu quả, cứ nghĩ thưởng cho con một món quà không có gì là quá đáng, nên khi cháu xin mua điện thoại là gật đầu. Giờ thì hai người đã nhận ra cái sai, nhưng rất khó để uốn nắn cậu bé lại như trước. Vì nếu tịch thu máy thì cháu lén lấy chơi hoặc dọa nghỉ học. Nhà lại có bà nội bênh vực, cưng cháu quá mức nên rất khó dạy dỗ.

Thực ra, tôi không lạ gì cậu bé này bởi tôi là người trực tiếp dạy môn tin học cho cháu ở trường. Vào phòng vi tính, những đứa trẻ nào mê game, nghiện clip... là tôi nhận ra ngay. Bởi, trong khi nhiều học sinh chăm chú làm bài tập với chương trình Word, Excel cho nhuần nhuyễn thì các em ham chơi lại lén lên mạng chơi game, xem clip. Vì thế đôi lần tôi buộc phải treo mạng để các em chuyên tâm vào phần bài tập trong sách giáo khoa.

Việc sử dụng công nghệ thông tin, di động ở thế kỷ này là điều tất yếu. Nhất là ở học sinh, lứa tuổi năng động thích khám phá, hiếu kỳ. Tuy nhiên bố mẹ cần cân nhắc khi cho trẻ sử dụng điện thoại thông minh. Bởi trên mạng, ngoài những thông tin bổ ích là vô vàn cạm bẫy dành cho những trái tim bé dại. Nhất là game online, có sự mê hoặc tột độ nên khi trẻ chú tâm vào là dần nghiện, xao lãng việc học hành. Đó là chưa nói, việc trẻ cậy vào “giáo sư” Google Search để làm bài tập làm văn và các môn tự nhiên. Điều đó khiến trẻ lười tư duy, không thiết đến chuyện trau dồi kiến thức ở trường.

Nên chăng cho trẻ sử dụng chiếc điện thoại phổ thông khi cần thiết (nhưng vào lớp nên để chế độ im lặng). Cần cương quyết trước sự nài nỉ, mè nheo của con cái bằng những câu nói cứng rắn, kèm theo xoa dịu: “Tuổi của con chưa cần thiết phải dùng điện thoại thông minh. Khi nào lên cấp THPT thì bố mẹ sẽ mua cho con”. Ở tuổi THCS, THPT, nên sắm cho trẻ một chiếc máy vi tính để bàn là hợp lý. Máy cố định, cha mẹ có thể giám sát mọi hoạt động khi con online, yêu cầu con rời khỏi máy khi ngồi quá giờ, cũng như xem lại những lịch sử con truy cập (để biết con có vào những trang web không lành mạnh hay không). Đặc biệt, máy tính để bàn là công cụ học vi tính tuyệt vời nhất.

Đối với những trường hợp con trẻ nghiện điện thoại, bố mẹ cần kiên trì trong thời gian dài để kéo con trở lại nếp sinh hoạt cũ. Chuyện đã lỡ, không nên la mắng con mà hãy nhìn nhận một sự thật là do người lớn đã tạo ra sai lầm này. Khắc phục hậu quả bằng việc luôn bên cạnh con. Hãy cho con cái thấy được gia đình quan trọng hơn không gian ảo là như thế nào. Dẫn con đi đây đó để con thư thả trí não và tiếp cận nhiều với không gian thật. Không để cho suy nghĩ nhiều về game bằng việc liên kết các phụ huynh, tạo những buổi sinh hoạt, giải trí cuối tuần cho con có bạn ngoài đời để trao đổi, chia sẻ việc học hành.

Nguyễn Thanh Vũ