Các bị cáo ngồi chờ HĐXX nghị án…

Vụ trốn thuế của Công ty Nam Phương Ninh Bình đã được Báo CCB Việt Nam phản ánh qua nhiều số báo và được các cơ quan bảo vệ pháp luật xử lý. Sau 2 lần tạm hoãn phiên tòa, ngày 7-5, TAND tỉnh Ninh Bình tiếp tục mở phiên tòa xét xử về tội trốn thuế xảy ra tại Cty Nam Phương Ninh Bình. Liên quan đến vụ án này, các bị cáo Nguyễn Đức Hậu, Bùi Thị Kim Nhung và Bá Thị Hiền bị Viện KSND tỉnh Ninh Bình truy tố về tội trốn thuế theo Khoản 3,4 Điều 200 Bộ luật Hình sự.

Lập hai Công ty gia đình để dễ bề thâu tóm”

Theo cáo trạng, từ năm 2012 đến 2015, Nguyễn Đức Hậu thành lập 2 Công ty để hoạt động kinh doanh dăm gỗ. Cụ thể, năm 2012, Hậu thành lập Công ty TNHH MTV thương mại Linh Nhung (Cty Linh Nhung) do Hậu làm Giám đốc với ngành nghề kinh doanh dăm gỗ, vận tải hàng hóa. Đến năm 2015, Hậu và 1 giám đốc công ty khác góp vốn thành lập tiếp Công ty TNHH Nam Phương Ninh Bình (Cty Nam Phương Ninh Bình), nhưng để vợ là Bùi Thị Kim Nhung làm Giám đốc, cũng với ngành nghề kinh doanh chủ yếu là dăm gỗ.

Trong thời gian từ năm 2016 đến cuối năm 2020, Cty Nam Phương đã thu mua khoảng 365.000 tấn dăm gỗ, trong đó có khoảng 170.000 tấn mua từ các hộ dân trên địa bàn Hòa Bình, Ninh Bình. Giá trị trước thuế đối với 365.000 tấn dăm gỗ ước tính lên tới hơn 939 tỷ đồng.

Để cho hoạt động kinh doanh dăm gỗ được thuận lợi, nhất là cho việc xuất khẩu mặt hàng này ra nước ngoài, Hậu đã chỉ đạo kế toán Bá Thị Hiền viết - lập các hóa đơn của Cty Linh Nhung xuất cho Cty Nam Phương.

Cáo trạng VKS xác định, từ năm 2016 đến cuối năm 2020, Cty Nam Phương Ninh Bình đã được hoàn thuế hơn 75 tỷ đồng từ hơn 2000 hóa đơn. Trong số đó có tới 91 hóa đơn được xác định là lập khống từ Cty Linh Nhung xuất cho Cty Nam Phương Ninh Bình để hợp thức hóa cho việc hoàn thuế của Cty Nam Phương tại Cục thuế Ninh Bình.

Tại phiên tòa, Nguyễn Đức Hậu khai, về bản chất, Cty Nam Phương Ninh Bình và Cty Linh Nhung là công ty trong cùng gia đình, do Hậu điều hành. Để Cty Nam Phương xuất khẩu được hàng dăm gỗ đi nước ngoài, thủ tục phải có hóa đơn để cơ quan hải quan kiểm tra, đối chiếu. Hậu đã chỉ đạo kế toán Bá Thị Hiền hợp thức hóa hồ sơ hòng qua mắt cơ quan chức năng. Với 91 hóa đơn khống từ Cty Linh Nhung, Cty Nam Phương Ninh Bình đã được hoàn 45,78 tỷ đồng tiền thuế GTGT trong khoảng thời gian từ năm 2016 đến 2020. Số tiền này được chuyển vào tài khoản Cty Nam Phương Ninh Bình và được Hậu sử dụng để chi trả các hoạt động của công ty.

Về lời khai của  Bùi Thị Kim Nhung, tại tòa Nhung cho rằng trong thời gian từ năm 2016 đến 2021, dù nắm cương vị Giám đốc Cty Nam Phương Ninh Bình nhưng bản thân Nhung không có nghiệp vụ, không có kiến thức, hiểu biết về hoạt động của Công ty, chỉ thực hiện việc ký, hợp thức hóa giấy tờ theo chỉ đạo của Hậu.

Đến nay, Cty Nam Phương vẫn đang hoạt động. Tuy đã thay đổi giám đốc, trụ sở chuyển sang địa chỉ khác, không còn ở nhà riêng của Nhung như trước đây, nhưng hoạt động của công ty này vẫn do Hậu điều hành.

Đối với Bá Thị Hiền, khai trước HĐXX Hiền cho rằng chỉ là người làm thuê cho vợ chồng Hậu và Nhung. Ở vị trí kế toán viên, Hiền lập và viết hóa đơn theo chỉ đạo của “sếp” Hậu. Hiền cũng xác nhận 91 hóa đơn kê khai mặt hàng dăm gỗ từ Cty Linh Nhung xuất cho Cty Nam Phương chỉ là hợp thức thủ tục chứng từ đầu vào cho việc xuất khẩu mặt hàng dăm gỗ của Cty Nam Phương…

Căn cứ các tài liệu điều tra, hồ sơ vụ án và lời khai của các bị cáo, HĐXX xác định số tiền hơn 45,78 tỷ đồng tiền hoàn thuế của Cty Nam Phương chiếm đoạt từ việc lập hồ sơ hoàn thuế bị cáo Hậu chịu trách nhiệm 95%; Nhung 4,8% và Hiền 0,2%. HĐXX tuyên buộc 3 bị cáo trên phải hoàn trả về cho Nhà nước số tiền đã chiếm đoạt được qui đổi theo tỉ lệ trách nhiệm lần lượt là Hậu phải nộp trả lại nhà nước hơn 43 tỷ đồng, Nhung nộp trả lại 1,6 tỷ đồng và Hiền phải nộp trả lại 90 triệu đồng để khắc phục hậu quả…

Với các hành vi trên, HĐXX tuyên phạt Nguyễn Đức Hậu 18 tháng tù, Bá Thị Hiền 12 tháng tù và Bùi Thị Kim Nhung được xem xét yêu cầu nộp số tiền khắc phục hậu quả về hành vi của mình gây ra…

Trước đó, trong quá trình điều tra và Tòa án xem xét vụ án, bị cáo Hậu đã nộp khắc phục được 1 tỷ đồng; Bùi Thị Kim Nhung nộp khắc phục được 300 triệu đồng và Bá Thị Hiền đã nộp khắc phục được 50 triệu đồng.

"Cán bộ thuế không phát hiện hết sai phạm …"

Trả lời trước câu hỏi của HĐXX về vụ việc hoàn thuế của Cty Nam Phương,  ông Lê Quang Nam - Phó trưởng phòng Thanh kiểm tra thuế số 2 (đại diện theo ủy quyền của Cục trưởng Cục thuế Ninh Bình - Đinh Nam Thắng) cho biết: Cty Nam Phương Ninh Bình thực hiện hoàn thuế từ tháng 3-2016 đến năm 2021 thì chấm dứt. Theo quy trình, hồ sơ hoàn thuế của Cty Nam Phương Ninh Bình được cán bộ Cục thuế Ninh Bình tiếp nhận, phân loại, các phòng chức năng giải quyết hồ sơ và Cục trưởng sẽ ban hành quyết  định hoàn thuế. Vị này khẳng định, việc giải quyết hoàn thuế cho Cty Nam Phương Ninh Bình được thực hiện theo đúng trình tự, quy định hoàn thuế. Đối với Cty Nam Phương Ninh Bình, Cục Thuế đã có các đoàn kiểm tra và đã từng phát hiện chênh lệch hóa đơn và đã truy thu. Ngoài ra, các đoàn kiểm tra đã kiểm tra, xác thực những hóa đơn, trong đó có những hóa đơn đúng và có hóa đơn vẫn chưa nhận được phản hồi.

Trước câu hỏi của HĐXX về việc để doanh nghiệp vi phạm, thiệt hại về thuế thời gian dài, với số tiền lớn mà không phát hiện, vị đại diện Cục Thuế Ninh Bình cho rằng, các cán bộ đã làm hết chức trách của mình.

Liên quan đến các vấn đề này, HĐXX xác định, trong quản lý kê khai thuế đối với Cty Nam Phương Ninh Bình, Cục Thuế đã tiếp nhận 31 bộ hồ sơ hoàn thuế. Cán bộ phụ trách đã phân loại 3 bộ hồ sơ kiểm tra trước, hoàn thuế sau và 28 bộ hồ sơ hoàn thuế trước, kiểm tra sau. Trong khoảng thời gian từ năm 2016 đến năm 2021, Cục Thuế đã cử 2 đoàn kiểm tra việc hoàn thuế của doanh nghiệp này. Quá trình kiểm tra phát hiện số thuế giá trị gia tăng chênh lệch hơn 700 triệu đồng. Cơ quan thuế đã ra quyết định xử phạt và thu hồi số tiền trên. Tuy nhiên, HĐXX xác định chưa phát hiện dấu hiệu thông đồng hoặc chi tiền hay lợi ích vật chất từ Cty Nam Phương Ninh Bình cho các cán bộ Cục Thuế nên không xem xét trách nhiệm của các cán bộ thuế…

“Giám Đốc Cty Linh Nhung từng dính đến nhiều vụ án”
Theo hồ sơ và tài liệu, bị cáo Hậu và Hiền từng có tiền án ở một số vụ án khác. Cụ thể, năm 2016, bị cáo Hậu bị TAND huyện Gia Viễn xử phạt 12 triệu đồng về tội đánh bạc. Năm 2022, bị cáo Hậu và Hiền còn bị TAND tỉnh Ninh Bình xét xử trong vụ án mua bán trái phép hóa đơn. Trong đó, Hậu bị cáo buộc trực tiếp mua 182 hóa đơn khống của 31 doanh nghiệp có địa chỉ kinh doanh tại tỉnh Nam Định và 5 hóa đơn khống của 1 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Ninh Bình, với tổng giá trị hàng hóa trước thuế là hơn 451 tỷ đồng, mặt hàng ghi trên hóa đơn là dăm gỗ keo nhưng không có hàng hóa thực tế kèm theo.
Tại phiên tòa xét xử về tội mua bán trái phép hóa đơn khống này, Hậu bị Tòa án xác định với vai trò là Giám đốc Cty Linh Nhung bị cáo đã có hành vi mua 187 hóa đơn khống của 32 doanh nghiệp, là người giữ vai trò chính trong vụ án nên bị Tòa xử phạt 500 triệu đồng sung ngân sách Nhà nước. Bá Thị Hiền là kế toán Cty Linh Nhung thực hiện theo sự chỉ đạo của Hậu đã có hành vi giúp sức cho Hậu trong việc viết các hóa đơn GTGT khống của Cty Linh Nhung xuất cho Cty Nam Phương…, nên Hiền bị xử phạt 200 triệu đồng sung vào ngân sách Nhà nước.
Dù từng có tiền án, nhưng điều khá lạ là tại phiên tòa xét xử về tội trốn thuế xảy ra tại Cty Nam Phương Ninh Bình, vị đại diện Cục thuế Ninh Bình còn có ý kiến phát biểu xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo Hậu, Nhung, Hiền.

Bài và ảnh: Chính Nhi