Chiếc nón lá của bà con Trùng Khánh hứng đầy trái dẻ chín rụng.

Lâu nay, nhiều người thường nói: Muốn thưởng thức hạt dẻ chuẩn vị, phải một lần tới Trùng Khánh - “thủ phủ” của thứ hạt nức tiếng này. Trùng Khánh - cách trung tâm thành phố Cao Bằng khoảng 60km về phía Đông, là nơi có thổ nhưỡng tốt, nguồn nước dồi dào cùng khí hậu ôn hoà, thuận lợi để nuôi dưỡng đặc sản hạt dẻ Trùng Khánh trứ danh mang hương vị ngọt bùi đặc trưng không đâu sánh được.

Cây dẻ cổ thụ của nhà ông Nông Văn Phúc được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường công nhận là cây Di sản Việt Nam năm 2016 

Có lẽ vậy, nên cứ vào mỗi dịp cuối thu, đầu đông, người ta lại nhớ tới nơi đây với hình ảnh những trái dẻ nâu tròn mây mẩy rụng rải rác trên đồi đầy gai, báo hiệu một mùa bội thu của bà con miền biên cương Đông Bắc. Đó là tâm huyết của một năm ròng rã chăm bẵm, nào là cuốc đất, bón phân, nào là tỉa tót cành lá của người trồng, làm nên thức quà ngọt lành, làm nên truyền thống vững bền của “xứ dẻ”.

Độc nhất vô nhị, nhưng thương hiệu ấy lại đang tràn lan khắp cả nước. Với tình yêu quê hương, lòng mến khách, chị Đàm Hiếu, một chủ vườn tại xã Bản Khấy, xã Chí Viễn (Trùng Khánh) đã nhiệt tình chia sẻ cách nhận biết hạt dẻ Trùng Khánh và hạt dẻ nhập nơi khác về để thực khách tránh mua phải loại giả “mác Trùng Khánh”.

Chị Đàm Hiếu cho biết: Điều dễ nhận biết nhất là loại hạt dẻ “nhái” có bán quanh năm, dù có mang đi bao xa, bao lâu cũng không sợ bị thâm thối. Còn dẻ Trùng Khánh “xịn” mỗi năm chỉ vụ duy nhất dài độ tháng rưỡi nếu như nắng nhiều, thường khoảng tháng 8 đến tháng 9 âm lịch hạt dẻ bắt đầu chín và được thu hoạch bán ra thị trường. Nếu chú ý thời gian, sẽ nhận thấy từ tháng 10 âm lịch trở đi, dẻ Trùng Khánh dường như rất ít bởi hạt tươi để được không quá 10 ngày ở điều kiện bình thường. Hơn nữa, do diện tích vườn dẻ không nhiều nên sản lượng dẻ của huyện chỉ khoảng 30 tấn/năm.

“Hạt dẻ Trùng Khánh thường mang hình tròn đều, thỉnh thoảng cũng có hạt méo mó, nhỏ nhất cũng bằng ngón chân cái. Điểm đặc biệt là hạt dẻ nhiều lông măng và vẫn còn quốc ở đầu. Vỏ ngoài cứng, dày, khi chín, thường ngả màu nâu lẫn tía và lột ra bên trong hạt phải mẩy, vàng ươm. Đem đi luộc, hấp hay nướng chín, sẽ ngửi thấy hương thơm tự nhiên và ăn bùi, bở hơn. Còn hạt dẻ nhập để ý kỹ một chút thì rốn sẽ không có lông tơ, không còn núm quả, kích thước lớn hơn vì là cây ghép mắt, độ tuổi ít và vỏ bạc, mỏng không đồng đều”- Chị Đàm Hiếu chia sẻ thêm.

Chị Đàm Hiếu, một chủ vườn dẻ xã Bản Khấy, Chí Viễn, nhiệt tình chia sẻ cách nhận biết hạt dẻ Trùng Khánh và hạt dẻ nhập nơi khácvề.

Bởi lẽ đó, khách du lịch đến Cao Bằng thường tìm mua bằng được loại hạt dẻ Trùng Khánh “xịn” làm quà. Hay đơn giản chỉ là hưởng bầu không khí trong lành, nhâm nhi nắm dẻ nóng hổi trên tay trong tiết trời lạnhgiá của mùa Đông, để cảm nhận được hương vị núi rừng Bắc Bộ và tấm lòng thơm thảo của bà con trồng dẻ nơi đây. Tất thảy đều thành dư vị nhớ thương.

Vẻ ngoài của hạt dẻ Trùng Khánh chính gốc.

Năm nay, Lễ hội Thác Bản Giốc diễn ra đúng thời điểm vàng thu hoạch hạt dẻ của Trùng Khánh (Cao Bằng). Vì vậy, ngoài tham gia lễ hội, du khách còn được trải nghiệm một trong những loại hình du lịch nông nghiệp đang có sức hấp dẫn với bạn bè gần xa, đó là thu hoạch hạt dẻ tại vườn. Chúng tôi đã may mắn được hòa vào không khí náo nhiệt tại vườn dẻ Bản Khấy, xã Chí Viễn.

Chị Đàm Hiếu kể về quá trình thu hoạch hạt dẻ: “Khi đến mùa, những quả dẻ chín sẽ tự rụng đầy gốc cây, còn với những quả chưa chín hẳn, mình sẽ dùng cây sào dài có móc để ngoắc lên cành rồi rung nhẹ, hạt dẻ sẽ tự rơi xuống. Hạt đẹp nhấc tay phải hơi nặng, còn nếu hạt thối, đầu sẽ đen. Phải để sau 3 hôm thì quả mới nứt đầu và bóc được.”

Không khí náo nhiệt của Tuần lễ trải nghiệm vườn dẻ, lần đầu tiên được tổ chức trong khuôn khổ Lễ hội Thác Bản Giốc.

Bắt tay vào trải nghiệm, người dân địa phương hướng dẫn tỉ mỉ cách tách hạt ra khỏi vỏ gai bằng dụng cụ chuyên dụng sao cho an toàn nhất mà không bị vỡ hạt. Từng người một, ai cũng có cơ hội thử sức với “bộ môn” thú vị này. Bóc xong, du khách có thể thưởng thức hương vị thơm bùi, hơi giòn nhẹ của hạt dẻ sống ngay tại vườn. Ăn hạt dẻ không giống như ăn khoai, ăn ngô mà phải từ tốn, nhẹ nhàng tách lớp vỏ bên ngoài lấy phần thịt hạt vàng ươm đưa vào miệng, chậm rãi nhai đều để cảm nhận từ từ vị ngọt bùi tan ra trong cuống họng.

Người dân và du khách vừa trò chuyện vui vẻ, vừa hào hứng trải nghiệm bóc hạt dẻ.

Dưới tán rừng dẻ xanh mát, còn gì tuyệt vời hơn khi được lân la, chung vui cùng bạn bè từ mọi miền tụ họp về đây. Từ lạ thành quen, hòa nhịp vào các hoạt động teambuilding gắn kết như kéo co, nhảy bao bố, thi bóc hạt dẻ, đó sẽ mãi là ký ức đẹp trong hành trình tìm đến hương vị văn hóa của vùng đất cổ Trùng Khánh.

Hoàng Điệp – Quỳnh Trang