Người dân Sài Gòn đổ ra đường đón Quân giải phóng trong ngày 30-4-1975

Ngay sau khi thế chân Pháp nhảy vào Đông Dương áp đặt ách thống trị của chủ nghĩa thực dân mới tại miền Nam Việt Nam nhằm chia cắt lâu dài đất nước Việt Nam, biến nơi đây thành tiền đồn chống Cộng ở khu vực, Mỹ thẳng tay gạt bỏ các thế lực thân Pháp, dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, nhanh chóng xây dựng bộ máy chính quyền ở cơ sở, bộ máy an ninh mật vụ và quân đội tay sai làm công cụ để triển khai các chính sách thực dân kiểu mới.

Trong những năm 1954-1958, do sự đánh phá tàn bạo của quân đội và bộ máy chính quyền Ngô Đình Diệm nên cách mạng miền Nam phải chịu đựng những thử thách và tổn thất hết sức nặng nề. Đầu năm 1959, Nghị quyết 15 của BCH T.Ư Đảng ra đời, đáp ứng kịp thời sự mong đợi của nhân dân miền Nam và mở ra một phương thức đấu tranh mới. Cách mạng miền Nam từ chỗ chỉ tiến hành đấu tranh chính trị, giữ gìn bảo toàn lực lượng là chính tiến lên kết hợp đấu tranh chính trị song song với đấu tranh vũ trang. Sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược kịp thời đó của Đảng đã đưa đến cao trào Đồng khởi cuối năm 1959 - đầu 1960, tạo ra bước ngoặt và mở ra một giai đoạn mới cho cuộc Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước - từ thế thoái trào, giữ gìn lực lượng chuyển hẳn sang thế tiến công.

Để đối phó với phong trào cách mạng miền Nam, cuối năm 1960, đế quốc Mỹ bị động chuyển sang chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” (quân đội Sài Gòn + cố vấn, tiền của, trang bị vũ khí của Mỹ). Ấp chiến lược được nâng lên thành quốc sách và được bộ máy điều khiển chiến tranh của Mỹ coi là “xương sống” của “Chiến tranh đặc biệt”.

Trong những năm 1961-1964, nhờ kết hợp chặt chẽ đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị, với phương thức tiến công “hai chân, ba mũi, ba vùng”, quân và dân miền Nam đã đánh bại các chiến thuật “tân kỳ” của Mỹ như “Trực thăng vận”, “Thiết xa vận”... liên tiếp bẻ gãy các cuộc tiến công càn quét, bình định của quân đội Sài Gòn với sự hỗ trợ của các đơn vị binh chủng và cố vấn Mỹ, đánh sập căn bản “quốc sách ấp chiến lược”, đẩy chính quyền và quân đội Sài Gòn lâm vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng, chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” đến bên bờ vực phá sản.

Giữa năm 1965, để cứu vãn tình hình, đế quốc Mỹ thay đổi chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” bằng chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, ồ ạt đưa quân viễn chinh Mỹ và quân đồng minh vào tham chiến tại chiến trường miền Nam Việt Nam; đồng thời mở rộng chiến tranh leo thang ra đánh phá hậu phương lớn miền Bắc. Cuộc chiến tranh Việt Nam lúc này được quốc tế hóa cao độ.

Trong những năm 1965-1967, ở miền Nam, chúng ta liên tục mở những trận đánh, những chiến dịch có ý nghĩa chiến lược, thu được thắng lợi giòn dã như: Bình Giã, Ba Gia, Đồng Xoài, Plâyme, Bầu Bàng, Dầu Tiếng... Đặc biệt là đánh bại hai cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965-1966, 1966-1967 của địch. Trong khi đó thì ở hậu phương miền Bắc, quân và dân các địa phương nhanh chóng và kịp thời chuyển mọi hoạt động sang thời chiến; tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, động viên sức người, sức của, hoàn thành trách nhiệm và nghĩa vụ của hậu phương lớn đối với tiền tuyến; đồng thời triển khai thế trận chiến tranh nhân dân, đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của không quân và hải quân Mỹ.

Bước vào năm 1967, tương quan thế và lực trên chiến trường miền Nam đã có sự thay đổi lớn theo hướng có lợi cho cách mạng. Hội nghị 13 của T.Ư Đảng quyết định mở cục diện “đánh - đàm” nhằm phối hợp và phát huy hiệu quả của ba đòn tiến công chiến lược. Phân tích và đánh giá đúng tình thế cách mạng, Bộ Chính trị và Thường trực Quân ủy quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt vào các đô thị trên toàn miền Nam, tạo ra bước ngoặt quan trọng cho cuộc Kháng chiến chống Mỹ. Đây là một chiến thắng hết sức to lớn cả về chính trị và quân sự; tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận lớn sinh lực của quân Mỹ và Việt Nam cộng hòa (VNCH); làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc Nhà Trắng phải chấp nhận xuống thang chiến tranh, chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán và rút quân Mỹ về nước. Thất bại trong “Chiến tranh cục bộ”, năm 1969 Nhà Trắng quyết định thay thế bằng chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”.

Năm 1971, bằng cuộc phản công chiến lược Đường 9 - Nam Lào, quân và dân miền Nam đã đánh bại cuộc hành quân lớn mang tên “Lam Sơn 719” của VNCH, tiêu diệt một bộ phận quan trọng binh lực của VNCH, làm thất bại biện pháp chiến lược “chiến tranh bóp nghẹt” của đối phương nhằm cắt đứt tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn. Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào cùng với một số chiến thắng quan trọng khác trên các chiến trường Tây Nguyên, miền Đông, miền Tây Nam Bộ đã làm thất bại một buớc chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ; đồng thời làm thay đổi cục diện chiến trường theo hướng có lợi cho cách mạng.

Sau những thất bại mang tính chiến lược trong hai năm 1970-1971, quân đội Sài Gòn tỏ ra suy yếu, Mỹ bế tắc về chiến lược. Nhạy bén trước tình hình mới, Bộ Chính trị quyết định mở cuộc tiến công chiến lược năm 1972 nhằm giành thắng lợi quyết định, buộc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh bằng thương lượng trên thế thua. Tháng 4-1972, Mỹ tái khởi động cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam lần thứ hai với tính chất, phương thức, cường độ đánh phá tàn bạo và quyết liệt hơn nhiều so với cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất, đặc biệt là mở chiến dịch “Lai-nơ Bếch-cơ II” dùng B.52 đánh phá mang tính hủy diệt Hà Nội và các thành phố ở miền Bắc.

Với thắng lợi to lớn của cuộc tiến công chiến lược năm 1972 trên các chiến trường miền Nam cùng với việc đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng B.52 của Mỹ cuối tháng 12-1972, Việt Nam đã đạt được mục tiêu “giành thắng lợi quyết định”, buộc đế quốc Mỹ phải xuống thang, chấp nhận ký kết Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam; cam kết tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

Mặc dù Hiệp định Paris được ký kết, quân Mỹ và quân các nước đồng minh của Mỹ buộc phải rút khỏi miền Nam Việt Nam nhưng Mỹ vẫn tiếp tục theo đổi chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, hậu thuẫn cho quân đội Sài Gòn tiến hành các chiến dịch lấn chiếm và bình định. Tháng 7-1973, Hội nghị BCH T.Ư Đảng lần thứ 21 khẳng định “Con đường của cách mạng miền Nam vẫn là con đường bạo lực”. Nhiệm vụ trước mắt là đấu tranh trên cả 3 mặt trận: Quân sự, chính trị, ngoại giao, thắng địch từng bước và chủ động trong mọi tình huống đưa cách mạng miền Nam tiến lên.

Giữa năm 1974, theo chỉ đạo của Bộ Chính trị và Thường trực Quân ủy, Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam bắt tay khởi thảo “Kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam”. Hội nghị Bộ Chính trị - Thường trực Quân ủy (từ ngày 18-12-1974 đến 8-1-1975) đã thống nhất quyết tâm chiến lược và thông qua kế hoạch giải phóng miền Nam, dự kiến trong 2 năm (1975-1976). Cùng với “Kế hoạch cơ bản”, còn có “Kế hoạch thời cơ”, trong đó xác định rõ “Nếu thời cơ đến thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975”. Nam Tây Nguyên được chọn là hướng chính và Buôn Ma Thuột là mục tiêu mở đầu cho cuộc tiến công chiến lược này.

Với tinh thần “1 ngày bằng 20 năm”, chúng ta đã tiến hành tổng động viên sức mạnh của cả nước cho đòn tiến công chiến lược mang tính quyết định này. Tiềm năng và sức mạnh của hậu phương lớn miền Bắc cùng với hậu phương tại chỗ ở miền Nam được huy động và phát huy tối đa. “Cỗ máy” phục vụ cuộc Tổng tiến công trên cả hai miền Nam - Bắc đều được vận hành hết công suất. Về lực lượng, cho đến thời điểm này ta đã xây dựng được 17 sư đoàn chủ lực; tập kết được hơn 60.000 tấn vật chất và vũ khí các loại. Tuyến chi viện chiến lược Hồ Chí Minh đã vươn dài tỏa khắp các chiến trường...

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 được tạo bởi 3 đòn tiến công chiến lược: Đòn tiến công giải phóng Tây Nguyên, đòn tiến công giải phóng Trị - Thiên - Huế - Đà Nẵng và đòn tiến công giải phóng Sài Gòn - Gia Định với 4 chiến dịch lớn: Chiến dịch Tây Nguyên, chiến dịch Trị - Thiên, chiến dịch Đà Nẵng và chiến dịch Hồ Chí Minh cùng một số chiến dịch khác.

Sau chiến thắng Buôn Ma Thuột, Hội nghị Bộ Chính trị - Quân ủy T.Ư (ngày 18-3) khẳng định: Thời cơ chiến lược lớn đã đến; đồng thời quyết định chuyển cuộc tiến công chiến lược thành cuộc Tổng tiến công chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam ngay trong năm 1975.

Phối hợp với chiến dịch Tây Nguyên, quân và dân trên các chiến trường Trị-Thiên, miền Đông và miền Tây Nam Bộ đẩy mạnh tiến công địch dồn dập. Ngày 6-3, Quân đoàn 2 cùng với lực lượng vũ trang địa phương nổ súng tiến công mở màn chiến dịch Trị - Thiên. Ngày 26-3-1975, T.P Huế được giải phóng hoàn toàn. Trước đà thắng lớn, Hội nghị Bộ Chính trị ngày 25-3 đã kịp thời bổ sung quyết tâm chiến lược: Giải phóng hoàn toàn miền Nam trước mùa mưa. Ngày 29-3, Quân đoàn 2 và lực lượng vũ trang Quân Khu 5 giải phòng Đà Nẵng. Chỉ trong vòng 25 ngày đêm, toàn bộ lực lượng Quân khu 1 và Quân đoàn 1 của Quân đội Sài Gòn đã bị tiêu diệt và tan rã. Quân giải phóng cùng với quân và dân các địa phương đã làm chủ hoàn toàn 5 tỉnh Bắc Trung Bộ và đến ngày 3-4 thì giải phóng toàn bộ vùng đồng bằng và ven biển miền Trung.

Trước tốc độ phát triển tiến công diễn ra nhanh hơn dự kiến, Bộ Chính trị và Thường trực Quân ủy tiếp tục điều chỉnh kế hoạch chiến lược và hạ quyết tâm “Giải phóng hoàn toàn miền Nam trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4, trước mùa mưa, không thể để chậm”... Cuộc Tổng tiến công đạt đến độ “thần tốc” với một tốc độ nhanh chưa từng thấy. Sau chiến thắng Đà Nẵng, Bộ Tổng Tư lệnh quyết định thành lập cánh quân Duyên hải; đồng thời với “tầm nhìn chiến lược biển, đảo”, Quân ủy T.Ư đã chỉ thị cho Bộ Tư lệnh Hải quân và Quân khu 5 nhanh chóng tổ chức lực lượng ra giải phóng quần đảo Trường Sa và các đảo ở vùng biển phía Nam thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Ngày 9-4, trên các chiến trường miền Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, Quân giải phóng cùng với lực lượng vũ trang và nhân dân các địa phương đồng loạt mở các cuộc tiến công giải phóng địa bàn, tiêu hao, tiêu diệt sinh lực của đối phương, tạo thế cho đòn tiến công chiến cuối cùng nhằm vào Sài Gòn - Gia Định. Ngày 16-4, cánh quân Duyên hải cùng với lực lượng vũ trang Ninh Thuận đập tan “Lá chắn thép” Phan Rang - một trong những tuyến phòng thủ bảo vệ Sài Gòn từ xa. Ngày 21-4, chủ lực Quân giải phóng miền Đông Nam Bộ phối hợp với quân và dân Xuân Lộc - Long Khánh chọc thủng “Cánh cửa thép Xuân Lộc”, tạo điều kiện cho cánh quân hướng Đông thần tốc tiến về Sài Gòn. Ngay trong ngày hôm ấy, Nguyễn Văn Thiệu - Tổng thống Việt Nam cộng hòa từ chức. Trần Văn Hương lên thay. Chính trường Sài Gòn xáo động, tinh thần binh lính quân đội và công chức chính quyền Sài Gòn hoang mang, rệu rã... Tình hình chính trường Sài Gòn và chiến trường báo hiệu sự sụp đổ của ngụy quân, ngụy quyền không còn xa.

Ngày 26-4-1975, đòn tiến công chiến lược cuối cùng mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu diễn ra. Đây là một chiến dịch tiến công có quy mô lớn nhất trong lịch sử chiến tranh Cách mạng Việt Nam với sự tham gia của 15 sư đoàn bộ binh cùng nhiều đơn vị quân, binh chủng. Bằng cách đánh sáng tạo: Tổ chức lực lượng thọc sâu đánh địch nhằm thẳng vào 5 mục tiêu chiến lược trong nội đô; kết hợp từ ngoài đánh vào, trong nổi dậy đè bẹp mọi sự kháng cự của quân địch. Ngày 28-4, Trần Văn Hương từ chức Tổng thống, Dương Văn Minh lên thay với hy vọng có thể dàn xếp cho một giải pháp thành lập Chính phủ liên hiệp. Tuy nhiên, mọi sự chống trả của quân ngụy, mọi nỗ lực của “tân” chính quyền Sài Gòn; kể cả những toan tính của nước ngoài muốn nhảy vào dàn xếp đều trở nên vô vọng. 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, lá cờ của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được kéo lên tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, kết thúc cuộc Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kéo dài 21 năm của quân và dân Việt Nam.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ là cuộc chiến tranh cứu nước dài ngày nhất, ác liệt và phức tạp nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Trong cuộc đụng đầu lịch sử này, dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, dựa vào sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, quân và dân Việt Nam đã đánh thắng từng chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ; tiến hành giành thắng lợi từng bước làm thay đổi cục diện chiến trường, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn bằng cuộc Tổng tiến công chiến lược mùa Xuân năm 1975, thu giang sơn về một mối.

Đại tá, PGS.TS Trần Ngọc Long - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam