Vườn mãng cầu gai của gioa đình Cựu quân nhân Lê Bảo Xuyên ở ấp Vĩnh Kiên, xã Vĩnh Quới (TX, Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng).

Dọc theo tuyến đường nông thôn ấp Vĩnh Kiên, xã Vĩnh Quới (TX. Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng), người đi đường dễ dàng bắt gặp nhiều cây mãng cầu gai mọc xanh mướt ven lộ. Mặc dù là cây trồng xuất hiện từ lâu, nhưng gần đây, cây mãng cầu gai ghép bình bát mới được nhiều nông dân chú trọng phát triển. Bởi cây cho hiệu quả kinh tế cao và thích ứng tốt trong điều kiện khô hạn, xâm nhập mặn.

Trước đây, gia đình anh Lê Bảo Xuyên ở ấp Vĩnh Kiên (Cựu quân nhân, nguyên Trung đội trưởng dân quân cơ động xã Vĩnh Quới), Giám đốc Hợp tác xã mãng cầu gai Kiên Hòa, chỉ chuyên canh tác lúa, những do đất bị nhiễm phèn nên năng suất thấp, cuộc sống gia đình gặp không ít khó khăn. Nhờ được tập huấn chuyển giao khoa học – kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi và tìm hiểu trên báo, đài về kỹ thuật canh tác mãng cầu gai, đã giúp anh có thêm động lực, niềm tin để chuyển đổi cây trồng. Được vài năm, số lượng trái thu hoạch được từ 5 đến 6 tấn trái/vụ nên xảy ra tình trạng bán đổ, bán tháo. Cũng từ đó, anh cùng vài nhà vườn chế biến trà mãng cầu gai để giải quyết phần nào tình trạng ùn ứ mãng cầu.

Sau thời gian vừa làm vừa tìm kiếm thị trường, đến năm 2020, Hợp tác xã mãng cầu gai Kiên Hòa được thành lập với 35 thành viên (bầu anh làm Giám đốc) trồng cây mãng cầu gai với diện tích trên gần 30 ha. Hợp tác xã bao tiêu đầu ra trái mãng cầu tùy theo từng vụ, nhưng đảm bảo giá cao hơn giá thị trường từ 1.000 đến 2.000 đồng/kg. Sau vụ thu hoạch mỗi hộ có lãi từ 70 triệu/1 công vườn.

Giám đốc Hợp tác xã mãng cầu gai Kiên Hòa, Cựu quân nhân Lê Bảo Xuyên cho biết: “Từ một cơ sở sản xuất quy mô hộ gia đình, được Sở Khoa hoc công nghệ tỉnh Sóc Trăng hỗ trợ, anh mạnh dạn đầu tư máy sắt sợi, mấy sấy và hệ thống đóng gói bao bì tự động để mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả sản xuất. Hiện nay, HTX Kiên Hòa có 26 ha sản xuất theo quy trình VietGAP và sản lượng mãng cầu gai trung bình 600 tấn/năm. HTX ký hợp đồng liên kết bao tiêu với Công ty Tiến Thịnh (tỉnh Hậu Giang) với số lượng 300 tấn trái mãng cầu/năm. Song song đó, HTX đã ứng dụng đồng bộ, hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh, thực hiện liên kết theo chuỗi sản xuất, áp dụng các quy phạm thực hành theo tiêu chuẩn VietGAP”.

Giám đốc Hợp tác xã mãng cầu gai Kiên Hòa, anh Lê Bảo Xuyên chọn hái những trái mãng cầu gai già để chuẩn bị làm trà.

HTX ứng dụng tem truy xuất điện tử cho sản phẩm và sản phẩm trà mãng cầu được đánh giá xếp loại OCOP hạng 3 sao; đến nay đã phát triển đưa ra thị trường 6 dòng sản phẩm...Nhờ đó, người tiêu dùng dễ dàng nhận biết thương hiệu sản phẩm của HTX, giá trị sản phẩm tăng lên, góp phần nâng cao thu nhập cho các HTX cũng như người lao động, chứng tỏ loại hình KTTT có vai trò quan trọng trong xây dựng NTM, góp phần nâng cao thu nhập của người dân.

Dẫn chúng tôi thăm vườn cây mãng cầu gần 500 gốc trồng trên diện tích 4 công, Cựu chiến binh Đặng Hoàng Tính, thành viên Hợp tác xã mãng cầu gai Kiên Hòa chia sẻ: “Gia đình trồng 4 công mãng cầu gai, trước đây, đầu ra của trái mãng cầu gai không ổn định, thường chịu cảnh thương lái ép giá. Tuy nhiên, đến giữa năm 2020, có Hợp tác xã Kiên Hòa bao tiêu với giá 15.000 – 18.000 đồng/1kg thì vườn nhà tôi có lời cao hơn và không phải lo bán rẻ như trước. Trung bình, gần 4 công mãng cầu, gia đình tôi bán mỗi năm được trên 300 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, có lời hơn 240 triệu đồng. So với trồng lúa, trồng mãng cầu gai có lời nhiều hơn từ 7 đến 8 lần. Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả kinh tế, người trồng phải có liên kết bao tiêu đầu ra ổn định, chứ không nên trồng nhỏ lẻ sẽ khó bán”.

Thời gian qua, nhờ phát triển mãng cầu gai mà xã viên HTX có cuộc sống khấm khá. Song, do trái mãng cầu xiêm chủ yếu tiêu thụ ở dạng tươi thô nên thường xuyên gặp cảnh “rộ mùa, rớt giá” do không bảo quản được lâu, tiêu thụ sản phẩm còn phụ thuộc quá nhiều vào thương lái. Với mong muốn mở rộng đầu ra và tăng giá trị cho vườn nhà, anh Bảo Xuyên đã tìm cách chế biến mãng cầu gai thành trà thay vì chỉ bán trái tươi như thông thường. Cách làm này cũng được anh thử nghiệm thành công sau những ngày đi một số nơi để học tập. Theo anh Bảo Xuyên, điểm khác biệt để tạo nên thương hiệu trà nằm ở bí quyết chọn trái và quy trình sản xuất. Sau khi lựa chọn những trái mãng cầu xiêm già đạt tiêu chuẩn, anh đưa vào gọt vỏ, rửa sạch, ngâm nước pha muối để diệt khuẩn trong 30 – 40 phút. Sau đó, trái được để ráo nước và tách bỏ hạt rồi cắt nhỏ, phơi khô dưới nắng và sấy trên lửa để giữ độ khô ráo và mùi thơm đặc trưng của trái mãng cầu xiêm trước khi đóng gói.

Quy trình sản xuất trà mãng cầu gai của CQN Lê Bảo Xuyên.

Để tạo ra 1kg trà thành phẩm anh sử dụng hơn 10kg trái tươi, giá bán lẻ sản phẩm trà mãng cầu gai 650.000 đồng/kg. Anh Bảo Xuyên cho biết: “Hiện mãng cầu gai tươi hay trà mãng cầu đều có đầu ra khá tốt. Riêng trà mãng cầu gai được đánh giá mang lại nhiều công dụng cho người sử dụng. Khách hàng sử dụng sản phẩm khá đa dạng thuộc nhiều tầng lớp, lứa tuổi ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Thế mạnh của sản phẩm khi tham gia thị trường là chất lượng tốt, hương vị thơm ngon, mang lại nhiều tác dụng rõ rệt cho sức khỏe người sử dụng”.

Ông Phạm Khắc Điệp, Chủ tịch xã Vĩnh Quới (TX. Ngã Năm) cho biết: Mô hình trồng mãng cầu gai đang là mô hình kinh tế mới mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ nông dân. Trong thời gian tới, xã phối hợp với các sở ban ngành hữu quan mở nhiều đợt chuyển giao khoa học kỹ thuật, không chỉ riêng ở ấp Vĩnh Kiên mà còn nhân rộng mô hình ra các ấp. Đặc biệt, quan tâm hỗ trợ vốn, đầu tư cải tạo, đồng thời đảm bảo đầu ra sản phẩm để tránh tình trạng nông dân được mùa rớt giá.

“Còn Hợp tác xã mãng cầu gai Kiên Hòa, trong quá trình sản xuất, chế biến sản phẩm mãng cầu gai theo chuỗi liên kết gắn với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) quốc gia, góp phần tạo việc làm cho lao động nông thôn, tăng thu nhập người nông dân trồng mãng cầu gai, tạo ra sản phẩm mới góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương” – ông Điệp.

Phương Nghi