TP.Đà Nẵng chi hơn 400 tỉ đồng hỗ trợ học phí từ mầm non đến lớp 12.

Năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội trong cả nước tiếp tục gặp nhiều khó khăn và tác động trực tiếp tới đời sống người dân, nhưng trong năm học 2023-2024, cả nước có 7 địa phương miễn, giảm học phí năm học 2023-2024 cho học sinh gồm: Hải Phòng, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Bình, Hà Nam, T.P Hà Nội, T.P Hồ Chí Minh.

Hải Phòng là một trong những địa phương tiên phong miễn học phí cho học sinh các cấp bậc học, từ mầm non đến THPT. Sau 4 năm triển khai thực hiện, chính sách này được nhiều tỉnh, thành trong cả nước học tập, áp dụng. Với mức học phí năm học 2023-2024 được HĐND thành phố thông qua, Hải Phòng dự kiến chi hơn 400 tỷ đồng ngân sách địa phương để miễn cho toàn bộ học sinh đang theo học trên địa bàn. Nghị quyết 54 của HĐND T.P Hải Phòng được thông qua năm 2019, trong đó có nội dung miễn HP cho các bậc học từ mầm non đến THPT là một chủ trương nhân văn, được nhân dân hoan nghênh, ủng hộ.

T.P Đà Nẵng chi hơn 408 tỷ đồng để trợ 100% học phí công lập cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông (lớp 1-12) trong 9 tháng của năm học 2023-2024. Những học sinh đang được giảm học phí theo các chính sách khác sẽ được cấp bù để tổng số bằng 100% mức học phí công lập. Với học phí hiện hành là 50.000-300.000 đồng/tháng, tùy theo địa bàn, Đà Nẵng hỗ trợ cho học sinh công lập 316 tỷ đồng, còn lại là hỗ trợ học sinh ngoài công lập. Trẻ mầm non và học sinh trường có vốn đầu tư nước ngoài không thuộc diện được miễn học phí. Đây là năm thứ ba liên tiếp, Đà Nẵng thực hiện chính sách này. Hai lần trước, chính quyền thành phố miễn học phí do đời sống người dân gặp khó khăn vì Covid-19.

Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, tỉnh Quảng Bình vẫn quyết định ban hành nghị quyết quy định không thu học phí học kỳ 1 năm học 2023-2024 đối với trẻ em học mầm non và học sinh phổ thông công lập, học viên học tại cơ sở giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh; không thu học phí cả năm học đối với trẻ em, học sinh, học viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển. Các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập, cơ sở giáo dục thường xuyên được ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% số học phí không thu theo quy định (sau khi đã trừ nguồn dự phòng cải cách tiền lương) để chi hoạt động. Đồng chí Trần Hải Châu - Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Bình, cho biết: “Quyết định miễn giảm học phí không phải dễ dàng gì với Quảng Bình vì địa phương cũng không quá "dư dả ngân sách". Do ngân sách hạn hẹp, tỉnh phải cắt những khoản chưa thật cần thiết để tập trung đầu tư cho giáo dục. Nhưng chúng tôi cho rằng việc này là đúng đắn”.

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dự chi khoảng 327 tỷ đồng cho việc miễn học phí cho học sinh các cấp học trong năm học 2023-2024. Trong đó, dành 190 tỷ đồng hỗ trợ giảm học phí cho trẻ 5 tuổi và học sinh THCS (học sinh tiểu học được miễn theo luật). Với Hà Nam, tỉnh không thực hiện miễn 100% học phí như các địa phương khác, quyết định hỗ trợ một phần học phí cho học sinh các cấp trên địa bàn. T.P Hà Nội miễn học phí đối với trẻ em mẫu giáo và học sinh phổ thông của thành phố thuộc hộ cận nghèo (trước đó, Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định, trẻ em mẫu giáo và học sinh phổ thông thuộc hộ cận nghèo được giảm 50% học phí). Tương tự T.P Hà Nội, trong năm học 2023-2024, T.P Hồ Chí Minh miễn học phí cho học sinh cấp THCS với tổng kinh phi chi hỗ trợ học phí cho tất cả cấp học trên địa bàn là hơn 1.800 tỷ đồng.

Trong một thế giới đầy bất ổn khó lường với nhiều thách thức, nhưng thách thức lớn nhất chính là yếu tố con người. Yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là cơ sở cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước, tiền đề quan trọng để xây dựng “xã hội học tập”, phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo, phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới.

Hồ Thanh Hương