Vì bình an của cộng đồng

Thế là Tết Tân Sửu đã qua. Chúng ta đã “giữ được cái Tết an lành trong điều kiện bình thường” đúng như điều mà Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo và mong muốn các cấp, các ngành cùng toàn dân chung tay thực hiện. Cái “bình thường” mà Phó Thủ tướng nói, phải hiểu là “bình thường” trong cái rất không bình thường, hay là “bình thường mới”.

Trước Tết chục ngày, có ai nghĩ Tết năm nay lại là cái “Tết côvít” khác thường như vậy! Một cái Tết giãn cách, trái ngược với Tết đoàn viên, sum vầy!

Tết là chút ít thời gian vô cùng ý nghĩa đối với hầu hết người Việt mình; đặc biệt là những người đi xa lâu ngày, được trở về nhà đón Tết trong mong chờ sum họp. Tết đoàn viên, sum vầy là điều tồn tại từ hàng nghìn năm nay trong đời sống của người Việt. Bởi quanh năm bươn trải kiếm ăn xa nhà, ai cũng muốn nhân mấy ngày Tết cổ truyền, về thăm quê hương, ông bà, cha mẹ; trước là vui xuân đón Tết, sau là tri ân các đấng sinh thành, thắp nén hương tưởng nhớ người thân đã khuất… Thế nhưng, đúng vào lúc mọi người chuẩn bị về nhà, thì ở Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội… dịch Covid lại bùng phát. Bao dự định cho một cái Tết sum vầy đành dừng lại!

Anh em trong cơ quan biết tôi đã chuẩn bị chu đáo cho chuyến về quê vào ngày 24 tháng Chạp, nên trưa ngày 23, đúng vào thời khắc ông Táo chầu trời, có người cho tôi hay: Hình như quê anh sẽ “cấm cửa” những người từ Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội… về! Để rõ thực hư, tôi điện hỏi ông anh ở nhà. Sau một chập chạy ngược chạy xuôi hỏi han các vị chức sắc, anh tôi buồn bã báo tin: Tùy chú quyết định, cấm thì không hẳn, nhưng có đứa cháu nghe nói ở vùng Nam Từ Liêm, vừa về đã được gọi đi cách ly tập trung rồi, và cũng có người về, xe vừa đỗ trước cổng, đã có thành viên Ban chống dịch đến nhà niêm yết “Gia đình có người Hà Nội về”… Thế là thật rồi! Không đắn đo nhiều, tôi quyết định dừng chuyến về quê sáng hôm sau, mặc dù vô cùng tiếc nuối. Điều đơn giản là không muốn vì mình mà phiền muộn đến cộng động.

Tiếp đó, báo đài đưa tin nhiều nơi ở T.P Hồ Chí Minh, Hải Dương… bị phong tỏa. Hàng nghìn người đã mua vé máy bay, tàu hỏa để về quê, nay phải trả vé. Khách trả vé nhiều đến mức Ga Sài Gòn, Dĩ An… không đủ tiền mặt để trả lại cho khách. Tôi xem đó là những tín hiệu tích cực, bởi khi mà đất nước xác định “chống dịch xuyên Tết”, thì rất nhiều bà con ta đã biết hy sinh thói quen, gác lại nhu cầu tình cảm, mong muốn cá nhân… vì sự yên bình của cộng đồng. Không vì vui một chút mà biết đâu lại khổ dài dài.

Sum vầy qua “số”!

Truyền thống, tập tục từ nghìn xưa của người Việt, thì Tết là cứ phải là “Lẳng lặng mà nghe họ chúc nhau…”, cứ phải giao lưu, gặp gỡ thăm hỏi từ người trong gia đình, họ hàng ra chòm xóm, bạn bè… Đây là nét đẹp truyền thống trong đời sống người Việt. Là biểu hiện của lối sống trọng tình, trọng nghĩa; là cách để cha ông ta cố kết lại trong tình cảm cộng đồng, tình làng nghĩa xóm, gắn bó, sẻ chia… Hình ảnh bà mợ tôi trước đây, khi năm cùng tháng tận, ngồi tựa cửa buồn thiu bởi con cái học hành, làm ăn xa không về Tết, cứ ám ảnh tôi suốt cuộc đời.

Thế nhưng, ở vào “thời Covide” - chuyện thăm hỏi, chúc Tết của ta cũng cần có sự điều chỉnh, thay đổi cho phù hợp với trạng thái “bình thường mới”.

Tôi có đứa con trai sinh sống và làm việc ở một xứ sở mà dịch nguy hiểm hơn ta cả trăm lần. Cháu rất quyết tâm Tết nay sẽ về, bởi đã dăm Tết rồi một thân một mình nơi đất khách. Nhưng khi kế hoạch về Tết phải gác lại, qua internet, khoảng cách nửa vòng trái đất giữa cha con tôi cũng chỉ là ước lệ. Giao thừa tới, cha con tôi vẫn cạch li chúc mừng nhau! Nhờ internet, điện thoại thông minh mà nỗi cô đơn của đứa con xa xứ cũng vơi đi ít nhiều. Tết sum vầy vì thế mà cũng chưa mất hết ý nghĩa.

Như vậy, “Tết côvít” vô hình chung lại là cú hích để chúng ta thực hiện “chuyển đổi số” trong việc thăm hỏi, chúc Tết, chuyện trò thăm hỏi hỉ hả… mà vẫn hạn chế tối đa sự tụ tập, tiếp xúc… Tất cả vì sức khỏe của cá nhân, của cộng đồng và sự bình yên của đất nước.

Còn đó những nỗi niềm

Khuôn mặt đau khổ của những nông dân huyện Đông Triều - huyện bị phong tỏa, bên cạnh đống khoai tây chưa bán được, ánh mắt thất thần của những người trồng đào Hải Dương bên vườn đào cùng cảnh; chợ hoa Quảng Bá, Hà Nội rã rời buồn những ngày giáp Tết; người bán quất ngửa mặt kêu trời, phá bỏ hàng trăm cây quất vừa ế vừa bị mưa gió quật tả tơi sáng ngày 28 Tết; chợ hoa Hàng Lược, phố Hàng Mã, chỉ thấy người bán buồn xo nhìn nhau, chẳng có người mua; rồi phố xá vắng lặng, đìu hiu tận chiều mùng ba Tết…, là những ám ảnh.

Chúc nhau qua điện thoại, gần như ai cũng than vãn: Chỉ ăn và ngủ, ngủ và ăn; rồi lo tăng cân sau mấy ngày Tết… “Tích cực” hơn, có vị lại hồ hởi: “Tết nay nhẹ người, đỡ phải mua sắm, nấu nướng nhiều… Sang năm cứ vậy mà hay!”…, là những điều không biết nên vui hay buồn?

Nhưng bù lại, là hình ảnh khoai tây của dân Đông Triều và hàng nghìn con gà của dân Chí Linh được cộng đồng giúp giải cứu; rồi hình ảnh mang đậm tính cộng đồng, sẻ chia trong các chung cư người lao động ở các khu công nghiệp khắp ba miền đất nước, những bữa cỗ sum vầy, tấm bánh chưng nghĩa tình… của lãnh đạo công ty, xí nghiệp, của Công đoàn cơ sở… dành cho những người thợ không về quê ăn Tết, cũng làm nguôi ngoai những trăn trở, nỗi niềm trong tôi về Tết Tân Sửu - “Tết côvít” rất khác thường.

Duy Nguyễn