Tại cuộc gặp mặt CCB là thương binh tiêu biểu nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2025) do Thường trực Hội CCB TP. Hà Nội tổ chức vừa qua, phát biểu của Đại tá Đỗ Quang Mão - Chủ tịch Hội CCB xã Suối Hai đã thực sự gây xúc động và nỗi niềm trăn trở đối với tất cả mọi người; cùng với đó là sự đồng tình của các đại biểu dự gặp mặt về sự tri ân.

Xúc động vì bản thân người phát biểu đã trực tiếp tham gia đánh giặc nhiều năm, từ chiến trường biên giới Tây Nam của Tổ quốc và nước bạn Campuchia nóng bỏng, đến mặt trận Vị Xuyên khốc liệt. Trong tâm trạng bồi hồi, anh trân trọng và rưng rưng bày tỏ lòng cảm phục về tinh thần chiến đấu ngoan cường và sự hy sinh anh dũng của biết bao đồng đội thân yêu, trong đó có Trung đội trưởng Nguyễn Viết Ninh - người đã khắc lên báng súng lời thề bất hủ, cũng là phương châm sống, chiến đấu của những người lính can trường thời ấy: “Sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử”.

Trăn trở vì cuộc chiến ở Vị Xuyên đã đi qua gần 40 năm, mặc dù Đảng Nhà nước quan tâm và chỉ đạo quyết liệt; các cấp, các ngành, các lực lượng liên quan đã rất nỗ lực, nhưng hiện vẫn còn hơn 2.000 liệt sĩ nằm rải rác khắp chiến trường năm ấy chưa quy tập được hài cốt, bởi một lẽ hàng triệu quả đạn pháo dập xuống trong suốt 10 năm chiến tranh đã làm thay đổi địa hình, địa vật, vùi lấp nhiều tầng đất đá, cùng hàng chục nghìn vật liệu nổ khiến cho công việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ cực kỳ khó khăn, phức tạp. Cũng vì lẽ đó, Thượng tướng Nguyễn Văn Được - người cán bộ hơn 40 năm về trước trực tiếp chỉ huy cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 356 bám trụ kiên cường giữ vững từng tấc đất, mô đá thiêng liêng của Tổ quốc, trong một lần trở lại Vị Xuyên đã rưng rưng nói với anh em Đội Quy tập hài cốt liệt sĩ của Bộ CHQS tỉnh Hà Giang mà như nói với chính mình: “Nhiều đồng đội chúng ta còn nằm ở hang đá, thung sâu, nhất là ở Nậm Ngặt, 772, Ðồi Ðài, Cô Ích,... cố gắng tìm đưa anh em về...”.

Đồng tình vì ý kiến của thương binh Đỗ Quang Mão đã nói hộ tình cảm trân trọng, biết ơn sâu sắc của CCB có mặt hôm nay cũng như hơn 60.000 thương binh, hơn 80.000 thân nhân gia đình liệt sĩ, hơn 13.000 người được hưởng chế độ hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học của TP. Hà Nội đối với sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, của nhân dân. Những việc làm thể hiện đạo lý, truyền thống văn hóa Việt Nam, sự tri ân sâu sắc đối với những người đã quên mình vì sự nghiệp Cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Điều này được thể hiện một phần trong Báo cáo của Thường trực Hội CCB thành phố tại buổi gặp mặt. Chỉ tính năm 2024, các chỉ tiêu phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa” đều vượt như: Vận động Quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa” được gần 40 tỷ đồng, đạt 147,6% so với kế hoạch; tặng 1.734 sổ tiết kiệm “Tình nghĩa” với kinh phí gần 5,4 tỷ đồng, đạt 139,3%; tu bổ, nâng cấp 53 công trình ghi công liệt sĩ với kinh phí gần 157 tỷ đồng, đạt 171%; vận động xã hội hóa tu sửa, nâng cấp 159 nhà ở cho Người có công với cách mạng, kinh phí trên 6,5 tỷ đồng, đạt 119,5% so với kế hoạch...

Thương binh Đỗ Quang Mão tâm sự: “Chúng tôi xin được dành tình cảm trân trọng và sự tri ân của mình với nhân dân và đồng đội. Những người đã chở che, đùm bọc, góp sức nuôi dưỡng; những người đã kề vai, sát cánh chiến đấu, tìm kiếm, băng bó, cấp cứu và đưa chúng tôi ra khỏi khu vực chiến sự về vị trí an toàn; những người đã tận tình chăm sóc, cứu chữa để chúng tôi mau lành vết thương và những người hôm nay lại tiếp tục đóng góp vật chất, tinh thần dành cho chúng tôi. Đó là những người xứng đáng được tôn vinh và tri ân về những chiến công và sự đóng góp thầm lặng của họ. Chúng tôi xin bày tỏ sự tri ân của mình bằng sự nỗ lực đóng góp công sức nhỏ bé vào sự nghiệp chung trong công việc thường ngày”.

Chính từ nhận thức đầy trách nhiệm và nhân văn đó, nhiều CCB là thương binh của TP. Hà Nội và ở nhiều địa phương trong cả nước đã luôn gương mẫu cùng gia đình chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương; tích cực tuyên truyền, vận động bà con xây dựng đời sống văn hóa, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Nhiều thương binh là những tấm gương tiêu biểu về sự tâm huyết, trách nhiệm trong công tác Hội, trong thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của Hội CCB; tham gia giải quyết hiệu quả những việc khó, việc “nóng” và giáo dục truyền thống lịch sử, lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ. Nhiều thương binh đã thể hiện sự lạc quan, nỗ lực vượt khó, tích cực lao động sản xuất kinh doanh hiệu quả, không những đảm bảo cuộc sống gia đình, mà còn tạo công ăn việc làm cho con em CCB, cựu quân nhân, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế của địa phương và tiên phong đi đầu trong các cuộc vận động ủng hộ tình nghĩa của các cấp phát động các Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, “Biển đảo”, “Bảo trợ trẻ em”, “Phòng chống thiên tai, dịch bệnh”... Đó là những người tiếp tục tỏa sảng bản chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ và thấm nhuần lời dạy của Bác “Thương binh tàn nhưng không phế”. Đó cũng là những người tiếp tục được Đảng, Nhà nước và Nhân dân tôn vinh.

Hồ Bá Vinh