
Phiên khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, chiều 23/01/2025. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Bài 2:
NHỮNG THÀNH TỰU BƯỚC ĐẦU TRONG “TINH GỌN BỘ MÁY” NHÀ NƯỚC HIỆN NAY
Kết luận số 127- KL/TW ngày 28/02/2025của Bộ Chính trị, Ban Bí thư"về việc triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị" bước đầu tạo ra sự chuyển biến tích cực nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị, giảm chi ngân sách thường xuyên, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân được sự đồng thuậncao của nhân dân cả nước và bạn bè thế giới.
Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh
Chủ trương "tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả" là góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị.
Từ việc tinh giảm bộ máy của hệ thống chính trị khắc phục tình trạng nhũng nhiễu trong hệ thống các cơ quan hành chính sự nghiệp,loại bỏ thói trì trệ, quan liêu của một số cán bộ, công chức, viên chức góp phần tái cơ cấu đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ. Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài viết "Chống Lãng phí" đã chỉ rõ: "Lãng phí cơ hội phát triển của địa phương, của đất nước do bộ máy nhà nước có nơi, có lúc hoạt động chưa hiệu quả, một bộ phận cán bộ nhũng nhiễu, thiếu năng lực, né tránh đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm, do chất lượng, năng suất lao động thấp", đồng thời Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: "Không để cơ quan nhà nước là nơi trú ẩn an toàn cho cán bộ yếu kém".
Trong Quý 1/2025 Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đoàn thể đã thông qua nhiều dự luật quan trọng, xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước. Theo đó, các cơ quan Nhà nước từ Trung ương đến địa phương đã có sự chủ động phối hợp kịp thời nhằm hướng dẫn các địa phương thực hiện sắp xếp tinh gọn các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện, bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất trong thực hiện nhiệm vụ quản lý11.
Do vậy,việc tinh gọn bộ máy gắn với tái cơ cấu đội ngũ cán bộ không chỉ góp phần tiết kiệm, chống lãng phí về nguồn lực, ngân sáchnhà nước mà còn xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh hiệu quả.
Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân
Khi nói về vị thế và trách nhiệm của cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh có sự chỉ dẫn rất đơn giản12:"Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm.Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta". Xuất phát từ tư tưởng của Người, chủ trương tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị thời gian qua với mục tiêu cao nhất nhằm nâng cao mức sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Việc tinh giản biên chế, tái cơ cấu, nâng cao chất lượng sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, giảm chi thường xuyên góp phần cải cách chính sách, tiền lương13, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.Tổng Bí thư nhấn mạnh: "Không thể nói tăng trưởng mấy con số mà đời sống nhân dân không thay đổi, nếu vậy tăng trưởng đi đâu? Do đó, hai điều này luôn phải được bảo đảm và liên tục gắn với nhau…Kinh tế được phát triển, đời sống của người dân được bảo đảmđó là mục tiêu xuyên suốt của chúng ta"14. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh15: việc sắp xếp đơn vị hành chính nhằm tạo không gian phát triển, phát huy tiềm năng, cơ hội, lợi thế cạnh tranh của các địa phương, phù hợp với điều kiện phát triển hiện nay, nêu cao tính tự chủ, tự lực, tự cường của các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt để chính quyền gần dân hơn, sát dân hơn, giải quyết công việc của người dân nhanh hơn, thuận lợi hơn; mang lại hạnh phúc ấm no cho nhân dân nhiều hơn.Do đó, mục tiêu tinh gọn bộ máy có hai nhiệm vụ quan trọng là tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống Nhân dân, đây là mục tiêu xuyên suốt mà Đảng ta đặt ra.
Vừa qua, theo thông báo số 158/TB - VPCP ngày 05/4/2025về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp trực tuyến toàn quốc lần thứ ba của BCĐ triển khai xoá nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước hoàn thành quyết tâm đến 31/10/2025.Kết quả nổi bật đã triển khai chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước16đem lại cuộc sống ổn định cho nhân dân.
Như vậy, chủ trương tinh gọn bộ máy góp phần đem lại nhiều chính sách quan trọng có lợi cho nhân dân, đất nước như: thực hiện miễn toàn bộ học phí cho học sinh từ mầm non đến hết trung học phổ thông công lập trên phạm vi cả nước, thực hiện từ đầu năm học mới (2025- 2026). Điều này góp phần quan trọng làm tăng trưởng chất lượng giáo dục, là một chủ trương lớn có tính lịch sử trong ngành giáo dục thể hiện tính ưu việt của chế độ XHCN ở Việt Nam hiện nay.
Xác định nhân dân là trung tâm và chủ thể của mọi chủ trương, đường lối của Đảng, mọi sự phấn đấu của Đảng, Nhà nước chỉ có ý nghĩa khi người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định việc tinh gọn bộ máy nhằm nâng cao đời sống an sinh xã hội cho nhân dân, trong đó chú trọng phát triển y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, tiến tới miễn viện phí cho tất cả mọi người dân, để mỗi người dân Việt Nam thật sự có cuộc sống ấm no, hạnh phúc17.
Theo đó, việc tinh giảm biên chế cũng được Đảng và Nhà nước ta đưa ra những chính sách đãi ngộ đối với người nghỉ hưu trước tuổi theo Nghị định số 67/2025/NĐ - CP chính sách, cơ cấu lại nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Việc đảm bảo tốt chính sách an sinh xã hội toàn diện trên các mặt như miễn học phí đối với mọi cấp học phổ thông, quyết tâm hoàn thành xoá nhà dột nát, phúc lợi xã hội đối với cán bộ sau tinh giản biên chế, chú trọng phát triển y tế, giáo dục, tiến tới miễn viện phí cho nhân dân là mục tiêu cao nhất mà chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hướng đến.
Đổi mới phương thức lãnh đạo, giúp Đảng gần dân hơn
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết: “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân"."Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”18. Người dùng khái niệm “công bộc” để hướng dẫn cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ chính là để phục vụ nhân dân.
Thời gian qua, việc sắp xếp, tổ chức bộ máy hệ thống chính trị, đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương hai cấp là chủ trương đúng đắn, kịp thời, phù hợp với thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước,trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến tính hiệu quả và gần dân, phục vụ dân tốt hơn sau khi sắp xếp, sáp nhập hình thành các cơ quan, đơn vị, địa phương mới. Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ19:sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp là những vấn đề rất hệ trọng, có tính lịch sử; không chỉ sắp xếp về tổ chức, bộ máy, cán bộ, mà còn phân cấp về thẩm quyền, bố trí lại đơn vị hành chính, phân bổ về nguồn lực, tạo không gian phát triển. Mục tiêu là xây dựng chính quyền theo hướng gần dân, phục vụ nhân dân tốt hơn; đồng thời, mở ra cục diện mới trong phát triển đất nước với tầm nhìn lâu dài, ít nhất là cho 100 năm tới.
Gần dân, hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, nắm chắc tình hình để có biện pháp chỉ đạo kịp thời những vấn đề nảy sinh là một trong những phương thức lãnh đạo đúng đắn của Đảng ta. Với chủ trương sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính, dự kiến nước ta còn 34 tỉnh, thành phố (28 tỉnh và 06 thành phố trực thuộc Trung ương), cả nước giảm 60 - 70% số lượng đơn vị hành chính cấp xã hiện nay,mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, gắn với phân cấp, phân quyền.Đây là bước đi quan trọng không chỉ tạo không gian phát triển, phát huy tiềm năng, cơ hội, lợi thế cạnh tranh của các địa phương, mà còn nêu cao tính tự chủ, tự lực, tự cường của các cấp chính quyền địa phương để chính quyền ngày càng gần dân, phục vụ người dân tốt hơn"bảo đảm quy mô phù hợp, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ tốt người dân doanh nghiệp", "bảo đảm chính quyền cơ sở thật sự gần dân, sát dân".
Việc đổi mới phương thức lãnh đạo gắn với sự vào cuộc của cơ quan dân cử - với chức năng giám sát góp phần lý giải bài toán "dọc ngang chưa thông suốt, trên dưới chưa đồng lòng" khi không tổ chức cấp huyện. Với sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, bộ máy hệ thống chính trị sẽ được tinh gọn và tiếp tục gần dân để phục vụ nhân dân được tốt hơn.
Tiết kiệm ngân sách nhà nước, có lợi cho người dân và doanh nghiệp
Trong phiên thảo luận tại tổ Quốc hội ngày 31/10/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: "Phải tiếp tục thực hiện tinh gọn bộ máy, giảm biên chế, giảm chi tiêu thường xuyên để dành nguồn lực đầu tư phát triển. Bộ máy cồng kềnh khó khăn lắm, kìm hãm sự phát triển".
Thời gian qua việc tinh giảm các đầu mối, các đảng đoàn, cơ quan doanh nghiệp của nhà nước, các lực lượng vũ trang Quân đội, Công an… góp phần giảm tối đa chi phí trả lương cho công chức, viên chức. Mới đây, Bộ Nội vụ có tờ trình dự thảo Nghị định về chính sách đối với cán bộ, công chức trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy20.
Chuyển biến của cả hệ thống những ngày gần đây cho thấy rõ mục tiêu tinh gọn nhằm tổ chức lại bộ máy một cách khoa học, hợp lý, loại bỏ đầu mối trung gian không cần thiết...vì thế hoạt động này tác động lớn tới việc cân đối tình hình chi ngân sách nhà nước theo hướng giảm chi thường xuyên, tăng đầu tư cho phát triển.
Tinh gọn bộ máy không chỉ là cải cách mạnh mẽ về tư duy và phương pháp làm việc mà góp phần chống lãng phí, nhằm tập trung nguồn lực cho lĩnh vực then chốt, thúc đẩy tính sáng tạo, chuyển đổi số nâng cao hiệu quả trong chỉ đạo của lãnh đạo các cấp, giúp loại bỏ thói trì trệ, bệnh quan liêu vốn tạo gánh nặng đối với bộ máy, gây lãng phí cơ hội phát triển.
Thiếu tá Nguyễn Thị Thu Thanh
(Phòng Tuyên huấn, Bộ Tổng Tham mưu)
(Còn nữa)
11Triển khai thực hiện Nghị quyết số 176/2025/QH15 về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, đến nay 13/14 Bộ, 2/3 cơ quan ngang Bộ và 5/5 cơ quan thuộc Chính phủ đã được Chính phủ ban hành Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức. Đối với các địa phương 63 tỉnh, giảm xuống còn 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc trung ương.
12 Bài báo "Sao được lòng dân" (ngày 12 tháng 10 năm 1945) của Chủ tịch Hồ Chí Minh ký tên Chiến thắng đăng trên báo Cứu quốc tiền thân của báo Đại Đoàn Kết ngày nay.
13 Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25-10-2017, Hội nghị Trung ương 6 khoá XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả".
14 Tổng Bí thư Tô Lâm ( 13/02/2025) phát biểu tại Tổ thảo luận về dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy của Nhà nước.
15 Hội nghị họp về Đề án sắp xếp tổ chức lại hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp
16Các địa phương trong cả nước đã vận động hơn 2,7 nghìn tỷ đồng, đã hoàn thành bàn giao 16.000 căn nhà tình nghĩa, xây dựng hơn 18.000 căn nhà…
17Tổng Bí thư Tô Lâm 8/04/2025, tại Hà Nội trong cuộc gặp mặt cán bộ Công an chi viện chiến trường miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025).
18Trong thư gửi “Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng” được đăng trên báo Cứu quốc số ra ngày 17.10.1945.
19Tổng Bí thư Tô Lâm (ngày 10-4) phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ XI, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
20Nghị định số 29/2023/NĐ - CP (đang được bố trí trong dự toán chi thường xuyên của các cơ quan, tổ chức, đơn vị) và các khoản chi chế độ, chính sách liên quan đến cán bộ, lãnh đạo quản lý. Trong 5 năm, dự kiến ngân sách nhà nước tiết kiệm chi khoảng 113.000 tỷ đồng từ việc tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị.