Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào - Thongloun Sisoulith trò chuyện với Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương tại cuộc gặp gỡ cựu Quân tình nguyện, Chuyên gia Việt Nam, lưu học sinh Việt Nam tại Lào và thế hệ trẻ hai nước tháng 9-2024.

Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương - người con của phố Hội (Quảng Nam) - sinh trưởng trong một gia đình lao động nghèo giữa lòng đô thị nhỏ. Từ thuở thiếu thời, ông đã sớm hiểu được nỗi cơ cực của người dân mất nước và cũng từ đó, ngọn lửa cách mạng âm ỉ cháy trong tim chàng trai trẻ.

Năm 1936, khi mới tròn 16 tuổi, ông đã dấn bước vào phong trào thanh niên dân chủ, bước vào cuộc đời hoạt động cách mạng với tất cả say mê của tuổi trẻ và niềm tin kiên định vào lý tưởng cách mạng. Những năm tháng tiếp theo là chuỗi ngày thử thách, gian khổ. Từ năm 1939 đến đầu năm 1945, ông bị thực dân Pháp bắt giam, bị đày ải qua nhiều nhà tù từ Cẩm Phô, Phủ Đường, Vĩnh Điện cho đến Thừa Phủ, Phú Bài - những nhà lao đã từng nhốt biết bao người yêu nước. Và rồi, khi thời cơ đến, ngày 9-3-1945, giữa cơn cuồng phong của lịch sử khi Nhật đảo chính Pháp, ông cùng đồng đội phá ngục, vượt thoát, tiếp tục đứng vào hàng ngũ đấu tranh cách mạng. Trong cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám vang dội, ông là một trong những người lãnh đạo giành chính quyền tại Quảng Nam, giữ chức Tỉnh ủy viên trong Ban Chấp hành lâm thời.

Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương tham gia hoạt động cách mạng và đã nắm giữ nhiều trọng trách trong Quân đội, như: Cục trưởng Cục Tổ chức, Tổng cục Chính trị; Phó Chính ủy Quân khu Tây Bắc; Chính ủy Chiến dịch Toàn Thắng; Chính ủy Bộ Tư lệnh Mặt trận 31, 316 Quân tình nguyện Việt Nam tại Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng... Năm 1974, ông được phong quân hàm Thiếu tướng, giữ chức vụ Chính ủy Quân khu 4. Từ năm 1976 đến 1979, Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ LĐTBXH. Từ năm 1979 đến 1983, ông là Phó chính ủy Quân khu 3. Từ năm 1983 đến năm 1988, ông giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ LĐTBXH.

Có thể nói, dấu son lớn nhất trong cuộc đời làm cách mạng của ông - chính là những năm tháng ông tham gia lãnh đạo lực lượng Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào. Với tinh thần quốc tế cao cả, ông cùng đồng đội đem cả trí tuệ, tâm huyết và máu xương mình để góp phần dựng xây nên tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào, mối quan hệ thủy chung mà thế giới hiếm có. Ông không chỉ là một vị chỉ huy, mà còn là người bạn tâm giao của những nhà cách mạng tiền bối Lào như Cay Sỏn Phôm Vi Hản, Khăm Tày Si Phăn Đon, Si Sa Vát Kẹo Bun Phăn... Quan hệ Việt - Lào đã trở thành mối quan tâm sâu sắc gắn bó cả cuộc đời ông, kể cả khi đã rời quân ngũ, thôi chức vụ.

Ngay cả khi đã nghỉ hưu, ông vẫn tiếp tục sống một đời dấn thân. Ông giữ vai trò Trưởng ban Liên lạc toàn quốc Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào, là người truyền lửa, kết nối những thế hệ từng kề vai sát cánh trên đất bạn. Là Tổng thư ký Hội CCB Việt Nam từ buổi ban sơ xây dựng Tổ chức Hội, Trưởng ban đại diện Chiến sĩ Cách mạng bị địch bắt tù đày tại Hà Nội, rồi đến tận đầu năm 2025, vẫn là Trưởng ban Danh dự Ban liên lạc Quân tình nguyện và Chuyên gia Việt Nam giúp Lào. Suốt cuộc đời mình, ông không ngừng cống hiến, không chỉ bằng tâm, bằng trí, mà bằng tất cả khí chất của một người cộng sản trung kiên.

Ngày ông trút hơi thở cuối cùng ngày 11-6-2025 - không chỉ đất nước Việt Nam tiễn biệt một người con ưu tú, mà đất nước Lào anh em cũng nghẹn lòng vĩnh biệt một người bạn lớn. Ngày 16-6-2025, đồng chí Thongloun Sisoulith - Tổng Bí thư Ban Chấp hành T.Ư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch nước Cộng hoà DCND Lào - đã gửi Điện chia buồn đến Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, bày tỏ nỗi tiếc thương vô hạn trước sự ra đi của người bạn lớn. Trong bức điện thấm đẫm nghĩa tình, Tổng Bí thư Sisoulith viết: “Sự ra đi của đồng chí Huỳnh Đắc Hương không chỉ là mất mát to lớn đối với Việt Nam, mà còn là tổn thất lớn lao với nhân dân các bộ tộc Lào chúng tôi, khi mất đi một người bạn thân thiết, gắn bó và gần gũi”.

Với hơn 85 năm đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam và suốt quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí Huỳnh Đắc Hương luôn kiên trung với lý tưởng của người cộng sản, luôn vững vàng một niềm tin sắt đá vào mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH. Ở bất cứ cương vị nào, ông đều thể hiện phẩm chất mẫu mực của người đảng viên: Tận tụy, liêm chính, thẳng thắn, trung thực, sống giản dị và chân thành.

Không một huy chương nào, dù quý giá đến mấy, có thể kể xiết đóng góp của ông. Nhưng nhân dân nhớ ông, đồng đội nhắc tên ông bằng lòng biết ơn sâu nặng - đó chính là sự tưởng thưởng lớn nhất.

Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương ra đi trong thinh lặng, nhưng cuộc đời ông vẫn ngân vang như khúc quân hành bất tận, sâu lắng mà hừng hực khí thế của một thời oanh liệt không thể quên.

Tóm tắt thành tích và quá trình công tác của Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương
Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương tham gia hoạt động cách mạng năm 1936; Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 5-1-1942 (chính thức ngày 15-3-1942); cán bộ lão thành cách mạng; Huy hiệu 85 năm tuổi Đảng; Huân chương Độc lập hạng Nhất; 2 Huân chương Quân công hạng Nhất; 2 Huân chương Chiến công hạng Nhất; 2 Huân chương Chiến thắng hạng Nhất; 2 Huân chương Itxala hạng Nhất và Huân chương Lao động hạng Ba của Cộng hoà Dân chủ nhân dân Lào; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất; nguyên Chính ủy Trung đoàn 93 Quảng Nam (1946); Cục trưởng Cục Tổ chức, Tổng cục Chính trị (1961); Phó chính ủy Mặt trận Tây Nguyên (B3), Chính ủy Sư đoàn BB1 (1965); Phó chính ủy Quân khu Tây Bắc (1966); Chính ủy Chiến dịch Quyết thắng (1966), Chính ủy Chiến dịch Cánh đồng Chum - Mường Sủi (1968), Chính ủy Chiến dịch Toàn Thắng (CD139, 1969 - 1970); Chính ủy Bộ Tư lệnh Mặt trận 31, 316 Quân tình nguyện Việt Nam tại Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng (1971-1973); Chính ủy Quân khu 4 (1974); Chính ủy Đoàn Chuyên gia quân sự 979 (1976); Phó chính ủy Quân khu 2 (1979); Trưởng ban Liên lạc toàn quốc Cựu Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Lào; Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (1976-1979, 1984-1987); Tổng Thư ký Hội CCB Việt Nam (1989).

Hồ Thanh Hương