
Nhà giàn DK1 thế hệ đầu tiên.
36 năm kể từ ngày thành lập (5-7-1989), Nhà giàn DK1 tồn tại hiên ngang giữa biển Đông như một bằng chứng về ý chí kiên cường của các chiến sĩ hy sinh quên mình quyết tâm giữ vững chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Nhà giàn DK1 là “Cột mốc chủ quyền quốc gia đặc biệt trên biển”, nhằm công bố với thế giới đây là chủ quyền thềm lục địa của Việt Nam, bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Tầm nhìn chiến lược của vị tướng tài ba
36 năm thành lập Nhà giàn DK1, không thể không kể đến công lao to lớn của một vị tướng gắn liền với sự ra đời của các nhà giàn. Đó là Thượng tướng Giáp Văn Cương - cố Tư lệnh Hải quân. Ông mất năm 1990, nhưng tên tuổi và công lao của ông luôn được thế hệ cán bộ chiến sĩ DK1 nhắc nhớ, nhất là mỗi năm đến dịp ngày sinh nhật nhà giàn.
Nhiệm vụ của các Nhà giàn DK1 là làm chỗ dựa cho ngư dân các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam Bộ đánh bắt hải sản, làm tiêu cho tàu thuyền qua lại, thu thập số liệu thủy văn, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ chủ quyền vùng biển thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.
Ngày 5-7-1989, ngày Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ra Chỉ thị số 180 về việc xây dựng Cụm dịch vụ kinh tế - khoa học - kỹ thuật thuộc đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo (tức Nhà giàn DK1), đã trở thành ngày sinh nhật của nhà giàn. Hiện nay, trên thềm lục địa có 15 Nhà giàn DK1 đóng quân ở các bãi cạn Ba Kè, Huyền Trân, Quế Đường, Phúc Nguyên, Tư Chính, Cà Mau.
Năm 1989, lúc đó Thượng tướng Giáp Văn Cương nhận thấy các giàn khoan dầu khí hoạt động, nhất thiết phải có lực lượng bảo vệ vòng ngoài, lực lượng này phải sử dụng bộ đội Hải quân, đủ sức mạnh, am hiểu về biển đảo. Cho đến bây giờ, sau hơn ba thập niên ra đời, tồn tại và phát triển, Nhà giàn DK1 vẫn là bằng chứng sinh động về sự sáng tạo quyết chí của một vị Tướng tài ba họ Giáp.
Sào tre, dây thừng dựng nhà giàn giữa biển
Ngày 6-11-1988, biên đội tàu HQ-713 và HQ-668 do Trung tá Phạm Xuân Hoa - Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 171 Hải quân chỉ huy, cùng Đoàn khảo sát đã vượt sóng ra thềm lục địa xây dựng nhà giàn. Sau sự kiện Trường Sa năm 1988, đi biển ngày ấy cũng đồng nghĩa với vào chiến trận, không ai biết trước điều gì sẽ xảy ra. Thượng úy Nguyễn Tiến Cường - khi ấy là Thuyền trưởng tàu HQ-668 (sau là Thượng tá đã nghỉ hưu), kể: “Chiều ấy, tạm biệt vợ mới cưới, thuyền trưởng Cường xuống tàu. Nhìn vợ, anh Cường động viên: “Biển rộng lớn nhưng anh nhất định sẽ về!”.
Ra đi trong đợt gió mùa đông bắc tràn về, biển động dữ dội, phương tiện mang theo trong chuyến hải trình này là chiếc la bàn, 2 cuộn dây, 6 cây sào tre để đo độ sâu. Sau 3 ngày khảo sát, các thủy thủ đã tìm được vị trí tọa độ trùng khớp với tọa độ ghi trên bản đồ; đo được độ sâu tương đối chính xác, rồi thả phao quả nhót đánh dấu. Vị trí khảo sát đầu tiên ở bãi cạn Phúc Tần A đã hoàn thành, các thủy thủ tiếp tục hành trình đến các bãi cạn Huyền Trân, Quế Đường, Phúc Tần, Phúc Nguyên, Tư Chính và Cà Mau.
Tháng 5-1989, các biên đội tàu của Lữ đoàn 171 và Hải đoàn 129 phối hợp với tàu kéo chuyên dụng bắt đầu chở khung nhà giàn cùng vật liệu sắt thép vượt sóng ra bãi cạn Phúc Tần xây dựng nhà giàn. CCB Trần Xuân Vọng - nguyên Đoàn trưởng Đoàn 129 Hải quân, nhớ lại: “Có bữa trời đang trong xanh, chỉ vài phút sau là sấm chớp ầm ầm, sóng đang lặng lẽ bỗng lừng lững như quả núi. Mặc cho sóng gió, anh em chúng tôi vẫn quyết tâm làm”.
Sau hơn 1 tháng chạy đua với sóng gió, ngày 10-6-1989, nhà giàn đầu tiên với tên gọi Phúc Tần hiện hữu giữa thềm lục địa phía nam Tổ quốc. Toàn bộ cán bộ chiến sĩ công binh và những người thợ lặn trào những giọt nước mắt sung sướng, tự hào. Tiếp theo đó, ngày 3-7, Nhà giàn Tư Chính (1A) được xây dựng, rồi đến Nhà giàn Ba Kè (6A). Từ tháng 6-1989 đến đầu năm 1995, ta đã xây dựng được những nhà giàn ở các cụm Phúc Tần, Ba Kè, Huyền Trân, Quế Đường, Tư Chính, Phúc Nguyên trên thềm lục địa Bà Rịa - Vũng Tàu và Nhà giàn DK1/10 ở bãi cạn Cà Mau, tỉnh Minh Hải (nay là tỉnh Cà Mau).
Ba liệt sĩ đầu tiên
Chúng tôi tìm đến nhà CCB, Trung tá Bùi Xuân Bổng - nguyên chỉ huy đầu tiên của Nhà giàn Phúc Tần (DK1/3) thời điểm 1989-1990, hiện ở khu tập thể B Lữ đoàn 171 Hải quân. Được hỏi về 3 liệt sĩ đầu tiên hy sinh trên biển, giọng ông chùng xuống: “Đó là những năm tháng không thể nào quên. 3 liệt sĩ hy sinh tại Nhà giàn Phúc Tần hy sinh năm 1990 là Trung úy Trần Hữu Quảng, y sĩ Trần Văn Là và chiến sĩ cơ điện Hồ Văn Hiền...”.
Chiều 4-1-1990, vùng biển khu vực Phúc Tần bỗng khác thường. Từ phía Đông từng mảng mây đen bất chợt kéo về, chẳng mấy chốc phủ kín bầu trời. Sóng gió nổi lên dữ dội. Nhà giàn Phúc Tần rung bần bật. Trong phút giây hiểm nghèo ấy, ông Bổng đã chỉ huy anh em lấy dây thừng kết những tấm gỗ bung lên từ sàn nhà lại với nhau thành một chiếc bè, sẵn sàng rời nhà. Ông còn căn dặn: “Nhảy xuống biển, anh em cố gắng bám chặt vào thanh gỗ, nhất định chúng ta phải sống và trở về, tàu sẽ đến cứu chúng ta”.
Trong đêm, nhà giàn bị sóng lớn đánh đổ sập, ông Bổng cùng các chiến sĩ bị cuốn vào đêm đen. Bè bị đánh tan tác, ông xé áo buộc các chiến sĩ vào với nhau, hy vọng nếu có chết cũng còn mang được xác về. Trong khi đó, ở một nhóm khác, Chính trị viên Trần Hữu Quảng cùng y sĩ Trần Văn Là, chiến sĩ cơ điện Hồ Văn Hiền bám vào thanh gỗ cố chống chọi với bão tố. Anh em lấy lương khô ăn để cố giữ sức. 18 giờ trôi trong bão tố, biết mình không trụ được nữa, anh Quảng đã nhường lại miếng lương khô cuối cùng và chiếc áo phao của mình cho đồng đội rồi chìm vào lòng biển. Ngay sau đó, y sĩ Là và chiến sĩ cơ điện Hiền cũng bị bão tố nhấn chìm.
Ngay khi nhận được tín hiệu Nhà giàn Phúc Tần bị đổ, Lữ đoàn 171 đã báo cáo Sở Chỉ huy Hải Phòng và điều tàu HQ-711 khẩn cấp đi cứu hộ. Sau 20 giờ tăng tốc, ngụp lặn trong sóng gió, tàu HQ-711 chỉ cứu được các anh Bổng, Quỳnh, Công, Báu, Trung.
Kể lại giờ phút đau buồn trong cơn bão ngày ấy, CCB Bùi Xuân Bổng mắt đỏ hoe: “Tôi không bao giờ quên được, đó là những giây phút bất tử của cuộc đời tôi”.
Bản hùng ca trên sóng nhà giàn
Sau 36 năm kể từ ngày thành lập, lớp lớp thế hệ cán bộ chiến sĩ vẫn xung phong đi Nhà giàn DK1 nhận nhiệm vụ. Mặc dù Nhà giàn DK1 đã được đóng mới, đời sống được cải thiện rất nhiều so với trước, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn thách thức, nhất là điều kiện cập nhật thông tin từ đất liền, nước ngọt, rau xanh, nỗi nhớ đất liền vẫn canh cánh trong lòng.
Dẫu khó khăn như thế, nhưng không ai chùn bước. Họ đang viết tiếp bản hùng ca trên sóng nhà giàn để tô đẹp thêm truyền thống: “Kiên cường, dũng cảm, vượt mọi khó khăn, đoàn kết kỷ luật, giữ vững chủ quyền” - đây là những phẩm chất cao đẹp, là niềm tự hào của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ DK1.
Mai Thắng