
CCB Nguyễn Thành Chung giới thiệu với vợ về cuốn Lịch sử Tiểu đoàn đặc công 470 được ông phối hợp với Bộ CHQS tỉnh Khánh Hòa biên tập xuất bản năm 2025
Những ngày này, khi cả nước đang hướng về kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025) cũng là lúc Cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Thành Chung ở Phường Phước Long, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa lại bồi hồi nhớ về những năm tháng cùng đồng đội tham gia chiến đấu gian khổ, hy sinh trên chiến trường miền Nam.
15 trận đánh, bốn lần bị thương
CCB Nguyễn Thành Chung sinh năm 1948 quê ở xã Yên Phương, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc, mảnh đất giàu truyền thống cách mạng. Năm 1966, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông làm đơn tình nguyện nhập ngũ vào Nam tham gia chiến đấu và đánh trận đầu tiên tại Làng Vây, Khe Sanh (Quảng Trị), ở trận đánh này, ông bị thương vào đầu nên phải lùi về tuyến sau để điều trị. Sau khi ra viện ông được bổ sung về đơn vị mới tham gia chiến đấu trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân 1968 tại chiến trường Đắc Tô, Tân Cảnh (Kon Tum).
Tháng 7 năm 1968 ông tham gia trận đánh thứ 2 vào căn cứ Đức Lập của Quân lực Việt Nam Cộng hòa (thuộc huyện Đắc Mil, tỉnh Đắc Nông) và ông lại bị thương lần thứ 2 vào mạng sườn phải vào viện điều trị. Đến cuối năm 1968 ông được bổ sung về Trung đoàn 20 (Quân khu 5) để hành quân chi viện cho chiến trường Phú Yên, Khánh Hòa. Tại tỉnh Khánh Hòa, tháng 1 năm 1969 ông cùng đơn vị đánh trận đầu tiên vào căn cứ sư đoàn Bạch Mã tại “ổ gà” Ninh Đa, thuộc huyện Ninh Hòa, tiếp đến tháng 9 năm 1969 đánh trận thứ 2 vào quân Nam Triều Tiên trên quốc lộ 1 (khu vực xã Ninh Thọ, huyện Ninh Hòa). Trên đường rút lui ông lại bị thương lần 3 tại xã Xuân Sơn, huyện Vạn Ninh. Lần thứ 4 ông bị thương vào đùi trong trận chiến đấu “giành dân, mở rộng địa bàn Giải Phóng” ở các xã Ninh An, Ninh Thọ, Ninh Diêm của huyện Ninh Hòa ngày 22 tháng 7 năm 1972...

Như vậy, từ tháng 01 năm 1969 đến tháng 4 năm 1975, trên cương vị chỉ huy cấp Đại đội đến cấp Tiểu đoàn, ông đã tham gia chiến đấu tổng cộng 15 trận đánh lớn, nhỏ và bị thương đến 4 lần. Trận cuối cùng ông tham gia với lực lượng Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 giải phóng huyện Ninh Hòa ngày 01 tháng 4 năm 1975 và cùng với quân chủ lực tiến vào giải phóng Nha Trang - Khánh Hòa ngày 02 tháng 4 năm 1975. Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông tiếp tục công tác ở nhiều vị trí khác nhau tại Bộ CHQS tỉnh Khánh Hòa đến năm 2003 thì nghỉ hưu và tham gia sinh hoạt tại Hội CCB phường Phước Long, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Với những thành tích trong tham gia chiến đấu, CCB Nguyễn Thành Chung được Đảng, Nhà nước và Quân đội tặng thưởng: Huân chương kháng chiến hạng nhì; Huân chương Quân công hạng ba; Huân chương Quân kỳ quyết thắng; Huân chương bảo vệ Tổ quốc hạng hai; Huy chương chiến trường Campuchia; 2 danh hiệu dũng sỹ diệt Mỹ, 2 Huy hiệu chiến sĩ thi đua và nhiều Bằng khen, giấy khen của các cấp.
Gương mẫu, tận tâm với cộng đồng
Hiện nay, CCB Nguyễn Thành Chung là thương binh hạng 2 với tỉ lệ thương tật 67%; là người bị nhiễm chất độc hóa học hạng 2, mất sức 61% và là đảng viên 55 năm tuổi Đảng. Nhiều khi vết thương tái phát tưởng chừng không qua khỏi nhưng với ý chí và nghị lực của người lính đã được tôi luyện trong môi trường Quân đội, ông lại kiên trì luyện tập để chiến thắng bệnh tật và vượt qua khó khăn, thử thách để tạo lập cuộc sống gia đình cũng như tham gia các hoạt động do Hội CCB và UBND phường Phước Long tổ chức. Ông luôn tâm niệm, mình còn sức khỏe thì còn cống hiến, việc gì có lợi cho dân thì mình làm và cùng giúp nhau xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Năm 2004, CCB Nguyễn Thành Chung được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội truyền thống kháng chiến yêu nước phường Phước Long (TP Nha Trang). Phát huy bản chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” và truyền thống “Trung thành, đoàn kết, gương mẫu, đổi mới” của hội viên hội CCB, ông luôn gương mẫu đi đầu trong các hoạt động và thường xuyên quan tâm, giúp đỡ các hội viên cùng nhau phát triển kinh tế, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Phong trào thi đua “CCB gương mẫu” của phường Phước Long nơi ông sinh hoạt đã khơi dậy trong ông tiềm năng, trí tuệ để ông phát huy nội lực và tham gia các phong trào, các cuộc vận động do Trung ương, địa phương phát động, như: Phong trào “CCB chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương…
Bên cạnh đó, ông còn thường xuyên giao lưu, tuyên truyền cho thế hệ trẻ về những năm tháng chiến đấu ác liệt trên chiến trường miền Nam cũng như những chiến công hào hùng của dân tộc để thế hệ trẻ khắc ghi, gìn giữ và nối tiếp truyền thống cha ông. Ông thường nhắc nhở các đoàn viên, thanh niên mỗi khi có dịp gặp gỡ, giao lưu: “Ngày hôm nay, chúng ta được tận hưởng cuộc sống trọn vẹn, hãy nhớ rằng, những điều ấy không tự nhiên mà có. Đó là máu, là nước mắt, là tuổi xuân của hàng triệu con người đã cống hiến, hy sinh cho cách mạng. Họ là những ngọn đèn, dù nhỏ bé nhưng sáng mãi trong lòng dân tộc.”
Nói về ông, đồng chí Lê Kim Thành, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Phường Phước Long (TP Nha Trang, Khánh Hòa) cho biết: “ CCB Nguyễn Thành Chung là một cán bộ lão thành cách mạng, gương mẫu tận tâm với cộng đồng; những việc làm và những đóng góp tích cực của ông đã nhận được nhiều lời khen từ chính quyền địa phương và người dân trong khu phố. Ngày 02/4/2025 vừa qua, nhân kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng Nha Trang- Khánh Hòa, đồng chí Nguyễn Duy Ngọc Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm UBKT Trung ương và đoàn cán bộ của Tỉnh ủy Khánh Hòa, Thành ủy Nha Trang đã đến thăm, tặng quà CCB Nguyễn Thành Chung, đảng viên 55 tuổi Đảng, nguyên cán bộ trực tiếp tham gia chiến đấu giải phóng Nha Trang- Khánh Hòa”.
Bài, ảnh: MAI ĐÔNG- QUANG TUYẾN