Bệnh nhân ngộ độc điều trị tại Bệnh viện đa khoa Vĩnh Phúc, ngày 15-5.
Thời gian qua, trên cả nước liên tục xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm (NĐTP) quy mô lớn, có vụ lên tới trên 500 người. Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần cẩn trọng đối với thực phẩm "bẩn", không rõ nguồn gốc... vì tình hình thời tiết nắng nóng là điều kiện để vi khuẩn sinh sôi phát triển. Nếu không kiểm soát tốt, nguy cơ các vụ ngộ độc sẽ gia tăng khi bước vào mùa hè.
Ngộ độc tập thể tăng đột biến
Chỉ trong vòng nửa đầu tháng 5, cả nước liên tiếp xảy các vụ NĐTP vô cùng nghiêm trọng khiến số lượng bệnh nhân phải nhập viện lên tới cả nghìn người. Vào ngày 6-5, UBND T.P Long Khánh, tỉnh Đồng Nai ghi nhận 560 người nhập viện do ngộ độc sau ăn bánh mì ở phường Xuân Bình. Tối 13-5, Sở y tế Bình Thuận ghi nhận đoàn khách 750 người ở Bình Dương được một công ty du lịch tổ chức tour tại Hàm Tiến - Mũi Né, lưu trú tại một khu nghỉ dưỡng cạnh biển. Sau khi ăn tối và ăn khuya tại các nhà hàng, một số thực khách bắt đầu có triệu chứng đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy phải cấp cứu. Có 52 người đã nhập viện, trong đó 20 ca điều trị tại bệnh viện tỉnh, 13 ca ở Trạm y tế Hàm Tiến, 19 người vào Phòng khám Mũi Né.
Ngày 14-5, hơn 3.290 công nhân Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam tại Vĩnh Phúc chia thành hai ca để ăn. Ca một ăn lúc 11 giờ 30 gồm hơn 1.000 suất, ca hai lúc 12 giờ 30 khoảng 2.000 suất. Bữa ăn do công ty tự nấu, có gà xào sả ớt, súp lơ xanh, canh đỗ xanh và dưa muối. Đến 17 giờ, hơn 350 công nhân đau bụng, buồn nôn. 49 người được đưa vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc, 80 người tới Trung tâm y tế T.P Vĩnh Yên và 222 ca tới Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt, 60 người còn lại được theo dõi tại Phòng Y tế của đơn vị - theo báo cáo của Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam. Đại diện Bệnh viện Hữu Nghị Lạc Việt cho biết: Tiếp nhận hơn 200 công nhân có biểu hiện NĐTP, "may mắn chưa ai trở nặng".
Mới đây nhất là ngày 15-5, sau bữa ăn chiều với món mì Quảng gà và bánh đa gà, gần 100 công nhân Công ty TNHH Dechang Việt Nam ở KCN Giang Điền, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai bị đau bụng, nôn ói, tiêu chảy... Những người này được đưa đến Trung tâm Y tế huyện Trảng Bom cấp cứu từ chiều đến tối cùng ngày. Trung tâm y tế huy động toàn bộ y bác sĩ đang trực để cấp cứu.
Giám sát chặt, sử lý nghiêm
Hiện cả nước có khoảng 700.000 cơ sở chế biến thực phẩm, đa số ở quy mô vừa và nhỏ nên rất khó kiểm soát toàn bộ. Cùng với việc nâng cao ý thức, trách nhiệm và đạo đức của người sản xuất kinh doanh thực phẩm, tăng cường quản lý của cơ quan chức năng thì người tiêu dùng cũng cần nâng cao kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Phân tích nguyên nhân các vụ ngộ độc, TS. Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) - cho rằng, trước hết do điều kiện thời tiết thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh, nhất là vi khuẩn gây bệnh đường ruột, động, thực vật chứa độc tố tự nhiên; ô nhiễm môi trường và thiếu nước sạch để chế biến, vệ sinh dụng cụ; quá trình chế biến, bảo quản nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm chưa đúng cách. Mặt khác, ý thức chấp hành quy định của pháp luật về điều kiện bảo đảm ATTP của một số cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm chưa nghiêm...
Theo TS. Nguyễn Thanh Phong, nguồn thực phẩm nguyên liệu cung cấp cho bếp ăn tập thể trong khu công nghiệp, khu chế xuất rất đa dạng, khó kiểm soát; các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn không ngừng gia tăng, nhưng nhiều cơ sở quy mô nhỏ, điều kiện cơ sở thủ công, khó kiểm soát các yêu cầu về ATTP.
Cục Vệ sinh ATTP yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác thanh kiểm tra, giám sát. Trong đó, tập trung vào các cơ sở chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp... Đồng thời, các địa phương kiên quyết xử lý nghiêm, đình chỉ hoạt động các cơ sở nếu không bảo đảm điều kiện, không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP; công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo kịp thời người sản xuất, kinh doanh và cộng đồng.
Ngày 11-5, Bộ Y tế có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư; Sở An toàn thực phẩm T.P Hồ Chí Minh; Ban Quản lý ATTP T.P Đà Nẵng, tỉnh Bắc Ninh về việc ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm. Bộ Y tế đề nghị các đơn vị nêu trên phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan khẩn trương tham mưu Ban chỉ đạo liên ngành về ATTPtỉnh/thành phố ban hành kế hoạch và triển khai các biện pháp bảo đảm ATTP, giám sát nguy cơ ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Tăng cường công tác liên ngành trong thanh tra, kiểm tra, giám sát ATTP; trong đó tập trung vào các cơ sở chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp, trường học và cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, cơ sở sản xuất kinh doanh nước uống đóng chai, đóng bình. Các đơn vị cũng cần chú ý các biện pháp giám sát, hướng dẫn phù hợp đối với dịch vụ nấu ăn lưu động, các bữa ăn liên hoan, tiệc cưới, đám giỗ đông người trên địa bàn quản lý.
Kiên quyết xử lý nghiêm và đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không bảo đảm điều kiện ATTP, cơ sở không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo kịp thời người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng. Ngoài ra, chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch, phương án, lực lượng, thuốc và trang thiết bị để triển khai hiệu quả các biện pháp điều tra, xử lý, khắc phục hậu quả khi xảy ra sự cố về ATTP, ngộ độc thực phẩm; cấp cứu, điều trị kịp thời và bảo đảm tốt nhất cho sức khỏe, tính mạng người dân. Đồng thời tăng cường công tác đào tạo, tập huấn cho lực lượng chuyên môn trong việc khám, cấp cứu và điều trị; tuyên truyền, hướng dẫn người dân đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, điều trị kịp thời khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ ngộ độc.
Võ Hóa