
Cảnh đổ nát tại Viện khoa học Weizmann sau khi bị Iran tấn công bằng tên lửa.
“Cuộc chiến 12 ngày” ở Trung Đông đã tạm thời khép lại bằng một thỏa thuận ngừng bắn vội vã được ký giữa Israel và Iran khi tiếng súng còn chưa chấm dứt hẳn. Nhưng những kịch bản trong cuộc xung đột ngắn ngủi này vẫn tiếp tục được bàn tán.
Chỉ vài giờ trước khi thỏa thuận ngừng bắn được công bố, Iran đã phóng khoảng 10 tên lửa đạn đạo tầm ngắn và trung vào căn cứ không quân Al Udeid ở Qatar, cơ sở quân sự lớn nhất của Mỹ ở Trung Đông. Điều ngạc nhiên là Tehran đã báo trước cho cả Mỹ và Qatar về cuộc tấn công này. Trong số 9 tên lửa của Iran đã phóng, 8 quả bị đánh chặn và một quả được “thả” một cách thiện chí vì nó bay theo hướng “không đe dọa”.
Bất ngờ hơn, trong một động thái lạ thường, Tổng thống Mỹ - Donald Trump đã đăng ngay một thông điệp trên mạng xã hội “cảm ơn Iran” vì đã thông báo trước cuộc tấn công. Ông Trump viết: “Iran đã phóng tên lửa tầm ngắn vào đây, có lẽ không có ý định phá hủy gì, với một vài quả tên lửa như một hành động tự an ủi, mang tính biểu tượng, nhằm xoa dịu những cái đầu nóng ở Iran”.
Đây không phải là lần đầu tiên kịch bản chiến tranh khác thường này xuất hiện. Năm 2024, Israel và Iran cũng từng nhiều lần mở các cuộc tấn công bằng tên lửa nhằm vào nhau đi kèm với lời cảnh báo là nếu đối thủ không trả đũa thì coi như xung đột khép lại. Thực tế sau đó đã diễn ra đúng như vậy, không bên nào muốn leo thang mặc dù “cuộc chiến” trên các phương tiện truyền thông với những lời đe dọa và kêu gọi hủy diệt nhau vẫn diễn ra căng thẳng.
Xem ra, không ai muốn xung đột kéo dài và trở thành một cuộc chiến tranh tổng lực. Nhìn tổng thể, Israel đang có ưu thế. Quân đội Israel đã hạ sát hàng chục sĩ quan cấp cao chủ chốt của quân đội và Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) cùng một số nhà vật lý hạt nhân của nước này. Các đòn tấn công của Mỹ và Israel đã gây tổn hại lớn cho các cơ sở hạt nhân của Iran, khiến chương trình hạt nhân của nước này có thể tụt lùi vài năm.
Tuy nhiên, quân đội Iran đã không tan rã hoặc bỏ chạy, mức độ ủng hộ của công chúng đối với các hành động của chính quyền không những không suy giảm mà còn tăng lên. Israel đã không đạt được mục tiêu thay đổi quyền lực ở Iran. Họ cũng không khiến Iran tan rã thành nhiều phần, còn việc phá hủy số lượng uranium đã làm giàu thì rất khó đánh giá.
Trong khi đó, các cuộc tấn công của Iran đã chứng minh hệ thống phòng thủ tên lửa của Israel không phải là bất khả xâm phạm. Ngay cả Viện khoa học Weizmann - trung tâm đầu não của chương trình hạt nhân Israel, cũng bị tên lửa Iran gây thiệt hại đáng kể. Những tổn thất về người và sự tàn phá ngay cả ở TP. Tel Aviv khiến dư luận Israel bất ngờ.
Chưa hết, theo Bộ trưởng Tài chính Israel - Bezalel Smotrich, tổng chi phí cho xung đột 12 ngày với Iran có thể lên tới 12 tỷ USD. Giới chuyên gia cho rằng con số này là thách thức với nền kinh tế Israel, vốn đã căng thẳng sau gần 2 năm xung đột. Còn theo Cơ quan thuế vụ Israel, ước tính cần chi 3 tỷ USD để sửa chữa các hạ tầng bị trúng tên lửa Iran, cũng như bồi thường cho những doanh nghiệp địa phương chịu tổn thất. Số tiền này chưa bao gồm chi phí sửa chữa và thay thế những hệ thống vũ khí đã tham chiến, do đó tổng chi phí có thể còn cao hơn nhiều sau khi đánh giá hoàn tất.
Có thể thấy rằng, Iran thiệt hại nặng, không còn lực để duy trì cuộc đối đầu lâu dài, còn Israel dường như cũng đã kiệt sức. Mỹ ủng hộ Israel và trực tiếp tấn công vào các cơ sở hạt nhân của Iran nhưng cũng không muốn xung đột kéo dài bởi điều đó có thể làm cho khu vực Trung Đông bất ổn, kéo theo nhiều hệ lụy với kinh tế thế giới, đồng thời đặt các căn cứ quân sự của Mỹ trong khu vực vào vòng nguy hiểm.
Chính vì thế, Iran đã chọn phản ứng “hoàn toàn mang tính biểu tượng” là tấn công với lời cảnh báo trước để đáp trả việc Mỹ ném bom các cơ sở hạt nhân của họ. Đó chỉ là đòn giải tỏa tâm lý trong bối cảnh tâm lý chống Mỹ và Israel trong nước dâng cao, còn mục tiêu chính của Iran là không để xung đột lan rộng hơn. Israel cũng xuống thang và chấp nhận lệnh ngừng bắn ngày 24-6 do Mỹ đề nghị.
Màn trình diễn chiến tranh đã tạm thời khép lại nhưng “cuộc chiến” truyền thông thì vẫn được đẩy lên mức cao nhất. Trong khi Mỹ và Israel cùng tuyên bố giành được “chiến thắng chưa từng có trong lịch sử”, thì Giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei - lãnh tụ tối cao của Iran đã chúc mừng “quốc gia vĩ đại Iran” vì giành “chiến thắng” trước Israel. Ông Khamenei tuyên bố: “Israel gần như sụp đổ và bị nghiền nát dưới những đòn tấn công của Cộng hòa Hồi giáo Iran”.
Tiến Thành