
Trường Sa dưới cánh bay
Cuối mùa khô năm 2002, Trường Sa nắng tróc da, vàng tóc. Ấy vậy mà nó lại khiến một phóng viên trẻ như tôi phải mê mẩn. Bao hình ảnh, tư liệu sống động cứ ngập tràn vào máy ảnh, sổ ghi chép và máy ghi âm. Cảm xúc dâng trào giúp tôi viết được nhiều bài báo đăng tải trên Báo Quân đội nhân dân và một số tờ báo, tạp chí khác.
Nắng trên Trường Sa Lớn
Hai ngày lênh đênh trên đại dương, con tàu HQ-960 đưa chúng tôi đến Trường Sa lúc 3 giờ sáng. Hơn 5 giờ, Trường Sa đã xanh mướt trước mũi con tàu. Hai chiếc xuồng của chúng tôi vừa cập cầu cảng, cánh lính trẻ đã ào xuống bắt tay và đưa những thùng quà lên.
- Có nhiều thư báo không các anh?
Một chất giọng Quảng Bình cất lên ngọt lịm. “Đầy thư kết bạn đây”. Gương mặt các chiến sĩ rạng rỡ như hoa hướng dương đón nắng, có người còn nhẩy cẫng lên khỏi mặt cát. Các ca sĩ: Thái Bảo, Tố Nga, nghệ sĩ múa Lan Anh, Hà Hương... của Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam vừa đặt chân lên đảo đã kêu toáng lên: “Các anh ơi! Chân của em nó làm sao ấy”. Nhìn những người đẹp đi bước thấp, bước cao, xiêu vẹo như người say rượu, chiến sĩ ta cười nghiêng ngả: “Say đảo rồi các em ơi”.
Lên đảo được vài phút, tôi được đảo trưởng Nguyễn Văn Thuận kéo tuột ra phía bờ tây, nơi cụm Một và anh em công binh đang huấn luyện, kè đường. Mới bước ra khỏi tán lá bàng quả vuông, đầu của tôi bỗng nóng ran. Ngửa mặt lên trời chỉ thấy màu xanh và ánh nắng chói lòa. Nắng từ trên cao đổ xuống, nắng từ mặt cát bốc lên giao thoa với nhau hắt vào người lính. Lưng áo tôi ướt sũng. Chiếc máy ảnh Canon đeo trước ngực và cuốn sổ tay có vẻ đã thấy vướng víu. Bãi huấn luyện của cụm Một đặc quánh màu nắng. Cụm trưởng Quách Võ Uy nhảy hết từ bệ súng này, đến mâm pháo kia để kiểm tra, hướng dẫn chiến sĩ. Tôi hỏi giật theo bước chân của Quách Võ Uy:
- Mấy giờ anh em mới nghỉ, cụm trưởng ơi?
- Phải 11 giờ anh ạ.
Tôi lắc đầu ngao ngán. Hơn 4 giờ “tắm” trong cái nắng cháy da quả là điều đáng khâm phục. Tôi đến khẩu đội hỏa lực đúng lúc anh em được giải lao. Quái lạ, phơi nắng gần như cả ngày, mà trông cậu nào cũng ngon trai quá. “Giai đẹp đến từ đâu thế?”. “Em ở xứ Nẫu” - Chàng trai tên Hải quê Bình Định nhoẻn miệng cười. Tôi để ý đến khẩu đội trưởng Nguyễn Văn Hiền, người Hà Nam.
- Hiền có người yêu chưa? - Tôi phỏng vấn.
- Dạ... Dạ chưa.
“Anh ấy có người yêu là giáo viên dạy văn đấy ạ”. Hiền đỏ bừng mặt giãi bày: “Thật ra, em và bạn ấy mới là bạn thân thôi...”. Hiền chưa kịp kể hết thì một chiến sĩ ôm tập thư lớn chạy từ trong doanh trại ra: “Thư đây. Thư đây”. Các chiến sĩ nhao cả lại. Những lá thư được truyền tay nhau đọc, nó làm cho sự mệt nhọc, nhớ nhung của người lính đảo tan biến. Hiền đã nhận được thư của bạn gái. Nhìn gương mặt tươi tắn của anh, tôi đoán tín hiệu của tình yêu đã đến. Chiếc máy ảnh trong tay tôi nháy lia lịa, ghi đầy những hình ảnh thân thương của những người lính đảo vào ống kính...
Càng về trưa, nắng càng bắn căng xuống mặt đảo. Phía bờ biển tây bắc, các chiến sĩ công binh đang hì hục bê đá kè bờ công sự và làm đường. Họ mặc quần dài, đầu đội mũ cối và mũ lá rộng vành. Có người còn che kín mặt, chỉ hở mỗi đôi mắt. Ăn mặc như vậy mà nắng vẫn châm vào da thịt họ những mũi tiêm bỏng rát. Trung tá Lê Quang Đào - người chỉ huy công binh trông như cục gỗ mun. Anh chia sẻ: “Một tuần chúng tôi chỉ được nghỉ tối thứ tư, thứ bảy và chủ nhật, còn thì đi công trường hết”. Thấy tôi ghi ghi, chép chép và có vẻ thắc mắc về kiểu ăn mặc kín mít của bộ đội, anh Đào giải thích: “Mặc quần áo dày, có khăn mặt thì mồ hôi không bay đi, mà ở lại làm mát cho cơ thể”. Làm việc ở đây, ai cũng phải có ba, bốn đôi giầy ba ta loại tốt. Giầy thường chỉ đi một tuần là vẹt gót, há mõm ngay. Đôi găng tay dày cộp là thế, mà sau một tháng va chạm với đất đá, nó đã te tua như tàu lá dừa.
Chiều càng nắng dữ tợn, mặt cát bốc hơi loang loáng như đang bị cháy. Trạm ra-đa 11 anh hùng của bộ đội Phòng không may mắn ở gần một chiếc giếng đào, thế mà anh em ai cũng thích cởi trần. Thiếu tá, trạm trưởng Nguyễn Văn Chiến đưa tôi ra những chiếc xe đặc chủng để chụp ảnh, phỏng vấn. “Xe gì mà bạc phếch, bạc phơ thế này?” - Tôi quay sang hỏi Chiến. “Nắng gió nó cạo đấy. Lên xe một tí cho có cảm xúc viết bài anh nhé” - Chiến mời mọc. Ừ thì lên. Vừa mới thò đầu vào trong buồng xe, tôi đã rùng mình vì nóng. Không khí trong xe bị nén đặc sệt, tạo ra sự bức bối, hầm hập như cái lò bát quái. 4 trắc thủ ra-đa cứ dán mắt vào màn hình, bảng điện và đồng hồ. “Đang trong phiên mở máy anh ạ” - Chiến thì thào vào tai tôi. Hơn 10 phút tôi đã phải nhao ra khỏi xe, đứng thở như một người đứt hơi trên đường chạy. “Mỗi phiên trực, anh em phải ngồi trong đó 2 đến 3 giờ đó” - Chiến nói. Tôi trợn tròn mắt như không tin ở tai mình.
Trường Sa Đông, Tiên Nữ phía chân trời
Ít có hòn đảo nào lại nhiều chó như Trường Sa Đông. 72 chú chó, cùng 8 con chim bồ câu và 16 con gia cầm đã tạo cho Trường Sa Đông thành một vườn thú nhỏ. Khi mọi người đặt chân lên đảo, đàn chó dàn hàng ngang, sủa vang chào khách. Chúng nhao cả lên máy ảnh khiến tôi phải nhờ đảo trưởng Hồ Chí Dũng giúp đỡ. “Nhiều chó thế này, anh em có nhớ hết không?” - tôi hỏi Dũng. “Nhớ chứ anh. Con nào cũng có tên. Chúng cũng là những chiến sĩ của đảo đấy. Nếu có vật lạ, hay người lạ xâm nhập đảo, chó sẽ sủa vang và báo cho chúng tôi biết”.
Gần 3 giờ chiều, những bông hoa muống biển đã oằn đi vì nóng. Ấy vậy mà trên các ụ súng trực chiến, 3 chiến sĩ Tăng Cẩm Vinh, Trần Văn Trường, Nguyễn Văn Vũ vẫn ngồi lặng lẽ, mặt hướng ra phía biển. Bên cạnh họ là mấy con chó cứ chạy ra, chạy vào như liên lạc. Trên đầu các chiến sĩ, chiếc mũ sắt nóng ran như vừa mới nung xong. Tôi đưa tay cầm thử. Chao ôi, rát bỏng.
- Bao giờ thì hết ca trực? - Tôi hỏi Trường.
- Dạ, 6 giờ tối.
Trường và Vinh đã ra đây từ 6 tháng trước, nhưng Vũ mới đặt chân lên đảo có 3 tháng. Đôi má anh đỏ nựng vì nắng. Chàng trai quê ở huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương nói với tôi: “Lúc đầu ngồi trực em cũng có cảm giác say nắng, nhưng rèn luyện cũng quen. Bây giờ thì em có thể ngồi cả buổi mà không sợ gì cả”. Đang ghi chép và phỏng vấn 3 chiến sĩ, chúng tôi nghe thấy tiếng chó và tiếng gà vịt kêu vang lên. Tăng Cẩm Vinh nói: “Đã đến giờ thể thao rồi đấy anh ạ”. Nhìn ra sân cát trước doanh trại, tôi đã thấy anh em chơi bóng và đá cầu. Bên mép biển, những chú “khuyển” cũng chạy loạn xạ cùng đám gia cầm. Đó cũng là lúc chúng tôi phải dời đảo ra tàu. Thấy vậy, đàn chó chạy vội ra cầu tàu sủa vang tạm biệt...
7 giờ sáng hai ngày hôm sau, khi tôi chạy lên boong tàu nhìn về phía đông đã thấy đảo Tiên Nữ lộng lẫy như một nàng tiên cá trong sắc bình minh. Tiên Nữ là đảo chìm xa nhất về phía đông trong quần đảo Trường Sa. Hai chiếc xuồng nhỏ lại lướt sóng đưa những vị khách từ đất liền vào đảo. Gặp bãi đá cạn, gần chục chiến sĩ trên đảo liền lao ngay xuống nước, lội gần 100m để kéo xuồng vào.
Hơn 1 giờ thăm hỏi, ca hát, chúng tôi định tạm biệt các chiến sĩ để ra tàu đến đảo Núi Len, Tốc Tan thì gặp ngay những chiến sĩ ở đảo Tiên Nữ B vừa mới lội qua. Không ngần ngại, các nghệ sĩ Đức Long, Thái Bảo, Tố Nga... đã đứng ngay ở mép nước ôm đàn cất tiếng hát phục vụ các chiến sĩ. Những người lính trẻ quân phục ước sũng vì nước biển, mắt đã đỏ hoe khi nghe ca sĩ Thái Bảo ngân nga: “Không xa đâu, Trường Sa ơi. Không xa, đâu Trường Sa ơi. Vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em...”. Còn những nữ ca sĩ khác và một số khách nước mắt đã tuôn thành dòng xuống cầu cảng. Chiếc máy ảnh của tôi lại liên tục kêu lên “tách tách” với những khuôn hình đầy cảm xúc nơi biên đảo của Tổ quốc...
Sau 16 ngày đi dọc phía Nam của quần đảo Trường Sa, tôi đã trở về TP. Hồ Chí Minh trong niềm vương vấn sâu sắc. Nắng phương Nam vồn vã làm tôi lại nhớ cái nắng Trường Sa vời vợi. Sau chuyến đi, nhiều tin, bài phản ánh, phóng sự, bút ký của tôi đã được đăng tải trên các ấn phẩm của Báo QĐND và nhiều tờ báo khác. Sau này, tôi có nhiều chuyến đi đến Trường Sa bằng tàu biển và máy bay trực thăng, nhưng chuyến đi đầu tiên vẫn đậm đà trong ký ức. Dịp kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam này, TP. Hồ Chí Minh thoắt mưa, thoắt nắng. Những cơn mưa đỏng đảnh, có khi lại ồn ào khiến tôi càng bâng khâng nhớ làn mưa trên đảo Thuyền Chài, Phan Vinh. Dù cho Trường Sa hôm nay đã giống một khu phố nổi giữa trùng khơi, nhưng tôi vẫn muốn gom được nhiều mưa mang ra nơi biên đảo vào các buổi chiều để đồng đội bớt đi cái nóng, để cây phong ba, cây bàng quả vuông đâm trồi, đơm hoa, kết trái. Càng đến nhiều, sẽ càng thêm yêu mến, trân trọng hơn đối với vùng biển đảo và con người Trường Sa. Vùng biên đảo thương yêu ấy, sẽ ở mãi trong tâm hồn và trong từng bức ảnh, trang viết của các nhà báo, của mọi người, trong đó có tôi...
Lê Phi Hùng