Kể từ khi hơn 50 cán bộ, công nhân viên Xí nghiệp Dâu tằm tơ Hà Nam Ninh được cơ quan thanh lý, hóa giá gian nhà tập thể năm 1991-1992, đến nay, do không được tu sửa, nhà cửa xuống cấp, nhiều hộ phải bỏ đi nơi khác sinh sống...

(Tiếp theo kỳ trước)

Kỳ II: Từ lòng tin đến nghi ngại - những “bức tường im lặng” trong quản lý địa phương

Dù có đủ giấy tờ, nhân chứng và cả biên lai nộp tiền từ hàng chục năm trước, nhưng phần đất mà bà Phạm Thị Bính - vợ CCB Lê Song Hào sinh sống ổn định gần nửa thế kỷ tại Khu tập thể Dâu tằm tơ Hà Nam Ninh (cũ) lại không được chính quyền đo đạc, xác nhận. Điều đáng nói, cùng một khu đất tập thể, nhiều hộ được đo đạc, xác nhận, riêng phần đất của bà lại bị bỏ qua. Phải chăng có sự thiên lệch trong quản lý đất đai tại xã Việt Hùng, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định?

Từ chối đo đạc - từ bất nhất đến bất thường

Năm 2019, sau nhiều lần kiến nghị về việc hoàn thiện thủ tục đất ở và vườn liền kề trên phần đất đã sử dụng từ năm 1971, bà Bính gửi đơn đề nghị chính quyền địa phương cho phép đo đạc, xác nhận tiến tới đề nghị cấp quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, đề nghị này bị từ chối không rõ lý do, dù nhiều hộ dân cùng khu tập thể đã được đo đạc, xác nhận từ nhiều năm trước.

Trong đơn đề nghị, bà Bính cung cấp đầy đủ hồ sơ gồm Giấy xác nhận nhà ở của Xí nghiệp Dâu tằm tơ cũ, danh sách nộp tiền hóa giá nhà tập thể năm 1992 trong đó thể hiện tiền “địa hình” bà nộp cao hơn các hộ khác, xác nhận của cán bộ xí nghiệp, nhưng vẫn không được chấp thuận.

“Lúc đó, cán bộ xã bảo là “chưa đến lượt”, nhưng không giải thích vì sao những hộ xung quanh lại được đo đạc” - bà Bính nói.

Năm 2024, bà tiếp tục gửi đơn nhưng bị từ chối với lý do “phần đất không nằm trong bản đồ quản lý”. Đáng chú ý, trên bản đồ địa chính, phần đất của gia đình bà bị vẽ thiếu hơn 40m2 so với thực tế sử dụng ổn định, không tranh chấp suốt 50 năm.

Bất thường hơn cả là việc phần đất bà Bính đang sử dụng không chỉ bị thiếu trên bản đồ, mà còn có dấu hiệu bị “chuyển hóa” thành đất công, bất chấp thực tế sinh sống, quản lý của hộ dân từ thời bao cấp đến nay.

Bản đồ “quên” dân, nhớ “ai”?

Theo các cán bộ kỹ thuật từng làm việc trong ngành đo đạc địa chính, bản đồ địa chính được lập từ đầu những năm 1990, có thể đã thiếu cập nhật hoặc bị vẽ lại theo hướng bất lợi cho người dân. “Một số khu vực không được đo kỹ, hoặc vì lý do nào đó mà có sự sai lệch. Nhưng khi người dân có giấy tờ, biên lai và nhân chứng, việc từ chối đo lại là rất vô lý”, vị cán bộ này cho biết.

Đặc biệt, vào năm 2019, sự im lặng của cán bộ địa chính xã Việt Hùng khi bà Bính đề nghị ông Nguyễn Văn Vận - cán bộ địa chính (sau này là Phó chủ tịch UBND xã Việt Hùng) và bà Nguyễn Thị Kim Hoa - cán bộ Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ địa chính thuộc Sở TNMT Nam Định đo đạc, xác nhận mảnh đất vườn cho bà nhưng cả hai vị này đều im lặng, không thực hiện.

Đến năm 2024, Dự án Tuyến đường bộ mới “Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển” triển khai, bà Bính tiếp tục đề nghị đo lại diện tích mảnh vườn liền kề nhưng bà chỉ nhận được phản hồi bằng văn bản không thuyết phục từ Phòng NNMT huyện Trực Ninh.

Điều đáng nói là phát ngôn của một số cán bộ có trách nhiệm cũng khiến người dân không khỏi bất bình. Bà Bính cho biết, ông Nguyễn Đại Đằng - Trưởng phòng NNMT huyện - từng nói: “Ngày mai tôi cho người xuống đo cho bà”, nhưng ngay hôm sau lại khẳng định ngược lại: “Tôi không đo cho bà đấy!”. Cách hành xử thiếu nhất quán, thiếu tôn trọng người dân và không phù hợp với quy tắc ứng xử công vụ khiến cho bức xúc của người dân ngày một tăng thêm.

Bất lực trước sự thờ ơ của một số cán bộ công quyền

Gần 5 năm ròng rã gửi đơn, gặp gỡ, đối thoại nhưng chỉ nhận lại sự im lặng và vòng vo của chính quyền, cơ quan chức năng địa phương. Từ một công dân có trách nhiệm, bà Bính dần trở thành người đơn độc giữa hệ thống công quyền. Không phải vì bà không đúng, mà bởi dường như có một sự “né tránh có chủ đích” từ phía những người có trách nhiệm.

Sự lặng thinh ấy không chỉ đẩy một người dân vào bế tắc, mà còn gây tổn thương cho niềm tin vào công lý và sự công bằng của cả cộng đồng.

Cũng cần nói thêm, sự bất thường trong đo đạc, cách hành xử thiếu công bằng của một số cán bộ chính quyền xã Việt Hùng, một số cán bộ Phòng NNMT huyện Trực Ninh chỉ là phần nổi của tảng băng. Phía sau đó còn là dấu hiệu của sự chồng chéo pháp lý, sự buông lỏng kiểm tra, giám sát từ cấp huyện và tỉnh. Những hệ lụy không chỉ dừng lại ở một hộ dân bị bỏ rơi, mà còn gợi lên những câu hỏi nhức nhối về trách nhiệm của cả một bộ máy.

Kỳ tới, chúng tôi sẽ làm rõ những hệ lụy và kiến nghị cần thiết để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân khi mô hình chính quyền địa phương hai cấp chính thức đi vào hoạt động, xã Việt Hùng không còn trên bản đồ mà được sáp nhập vào xã Cát Thành, tỉnh Ninh Bình (mới).

(Còn nữa)

Tư Hoành