Ngày 16-6, tại Kỳ họp thứ 9, với 466466 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội Khóa XV chính thức thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

6 giờ sáng ngày 1-7-2025, một buổi sáng lịch sử, khi những ánh mặt trời đầu tiên chiếu rọi trên mảnh đất hình chữ S, 18.491 ngôi chùa trên khắp đất nước đồng loạt thỉnh 3 hồi chuông, đánh dấu ngày hoạt động đầu tiên của chính quyền địa phương hai cấp và báo hiệu một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Những quyết sách lịch sử, tạo tiền đề phát triển đột phá

Sau 35 ngày làm việc khẩn trương, tích cực và trách nhiệm cao, với tinh thần đổi mới, sắp xếp khoa học và tập trung cao độ, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XV đã hoàn thành toàn bộ nội dung Chương trình đề ra. Kỳ họp thông qua 34 luật, 13 nghị quyết, trong đó có nhiều quyết sách mang tính lịch sử là tiền đề quan trọng đưa đất nước phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Điểm nhấn quan trọng nhất của kỳ họp là việc Quốc hội thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung 5/120 điều của Hiến pháp. Đây là cơ sở hiến định vững chắc cho việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, hoàn thiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp (cấp tỉnh và cấp dưới tỉnh) đồng thời khẳng định rõ hơn vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Công đoàn Việt Nam trong hệ thống chính trị.

Cụ thể hóa chủ trương này, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh. Sau sắp xếp, cả nước có 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh (giảm 29 tỉnh) và 3.321 đơn vị hành chính cấp xã (giảm 6.714 đơn vị). Để bảo đảm sự vận hành thông suốt của mô hình mới, Quốc hội thông qua 14 Luật và 2 Nghị quyết chuyên đề, đồng bộ sửa đổi các quy định về tổ chức chính quyền địa phương, ngân sách, cán bộ công chức và các luật tố tụng... đảm bảo không ảnh hưởng đến quyền lợi người dân và doanh nghiệp.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, đây là kỳ họp có khối lượng nội dung về công tác lập pháp nhiều nhất từ trước đến nay. Quốc hội đã thông qua 34 Luật, chiếm 52,3% tổng số Luật được ban hành tại 17 kỳ họp của nhiệm kỳ khóa XV. Đặc biệt, Quốc hội thảo luận và thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam với tỷ lệ đồng thuận tuyệt đối của các đại biểu Quốc hội, cùng với nhiều luật, nghị quyết đồng bộ, tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới, sắp xếp bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp.

Đây là kỳ họp mang dấu ấn lịch sử, trong một giai đoạn lịch sử, khi đất nước chuẩn bị bước sang kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Mô hình chính quyền địa phương hai cấp góp phần đảm bảo tính tập trung, thống nhất của bộ máy nhà nước, đồng thời tăng cường tính tự chủ, sáng tạo của địa phương. Chính quyền địa phương hai cấp cũng là nơi triển khai trực tiếp các chính sách của T.Ư đến người dân; phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân lên cấp trên. Đây là yếu tố quan trọng để đảm bảo dân chủ XHCN, phát huy sức mạnh của toàn dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đòi hỏi tất yếu của đổi mới

Trong bài viết “Sức mạnh của đoàn kết” - Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: Đất nước ta đang tiến hành quyết liệt chủ trương đổi mới mà Đảng ta đã đề ra từ Đại hội lần thứ VI, cải cách mạnh mẽ tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; sắp xếp lại đơn vị hành chính các cấp và triển khai vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Mục tiêu là tinh giản bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, quản trị nhà nước, đồng thời thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn cho địa phương.

Mô hình này không chỉ cắt bỏ cấp trung gian không cần thiết, mà điều quan trọng hơn là tổ chức lại không gian cho phát triển bền vững, để chính quyền gần dân, sát dân, vì dân, phục vụ nhân dân được tốt hơn; T.Ư cũng phân định rõ thẩm quyền và trao quyền chủ động nhiều hơn cho chính quyền địa phương để mỗi nơi năng động, sáng tạo, phát triển phù hợp thực tiễn.

Đồng chí Tổng Bí thư cũng cho rằng, việc tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; sắp xếp lại đơn vị hành chính cũng tác động, ảnh hưởng đến một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức... điều đó đòi hỏi sự công minh, đồng thuận và quyết tâm chính trị rất cao và đặc biệt là sự hy sinh lợi ích cá nhân. Nếu thiếu đoàn kết thống nhất từ trên xuống dưới, quá trình thực hiện sẽ rất dễ phát sinh vướng mắc, bất cập. Do đó, đoàn kết trong toàn hệ thống chính trị chính là chìa khóa thành công của cải cách này.

Nếu không có những chính sách rõ ràng và hợp lý dành cho số cán bộ bị ảnh hưởng do quá trình tổ chức lại hệ thống, rất dễ phát sinh tâm lý tiêu cực, trạng thái “bằng mặt không bằng lòng”, gây mất đoàn kết nội bộ. Bên cạnh đó, tâm lý cục bộ địa phương cũng là một vấn đề đáng lưu ý, bởi mỗi cá nhân đều có tình cảm đặc biệt và niềm tự hào với quê hương, bản quán hay nơi mình đã từng gắn bó.

Đồng thời cần phát huy tối đa vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc tập hợp, vận động nhân dân, tạo sự đồng thuận sâu rộng. Mọi chủ trương, chính sách khi xây dựng và thực hiện đều phải đặt lợi ích của nhân dân làm trung tâm, gắn kết chặt chẽ mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân, làm sao để nhân dân hiểu, tin tưởng, đồng tình và tích cực ủng hộ.

Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, với bản lĩnh và trí tuệ tập thể cùng truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc vững chắc, công cuộc tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; sắp xếp lại đơn vị hành chính và vận hành chính quyền địa phương hai cấp nhất định sẽ đạt được kết quả tốt đẹp, tạo tiền đề đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Sức mạnh của đoàn kết một lần nữa sẽ giúp chúng ta vượt qua mọi trở ngại, biến thách thức thành cơ hội, đưa đất nước vững vàng tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên phồn vinh, thịnh vượng, hội nhập và phát triển bền vững vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân.

Hoàng Linh