Ông Trần Chí Thành (bên phải) bồi hồi gặp lại đồng đội một thời chiến đấu trong lòng địch.

Năm 1970, khi phát triển cơ sở tình báo ở khu vực thị xã Tam Kỳ (Quảng Nam), các đồng chí trong đội công tác đã để ý đến H. Qua nghiên cứu thành phần xuất thân, ta nắm được H. sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, có cảm tình với cách mạng. Người thân không ai làm ác ôn, thường xuyên trốn lính và thậm chí có người còn tự thương. Đặc biệt, chồng H. không chịu đi lính, trốn tránh mãi cũng không thoát nên sau khi bắt được, địch cho huấn luyện xong rồi tung ra trận, không may dính mìn tử nạn. Vì vậy, việc phát triển H. làm cơ sở nội tuyến là phù hợp, có độ tin cậy cao. Sau nhiều lần ta tổ chức gặp gỡ, giác ngộ, H. bắt đầu tham gia nhận nhiệm vụ, thực hiện một số việc và làm cơ sở cho ta như: Cung cấp thông tin tình hình địch ở sân bay, đồi Ông Chí, thu mua lương thực với số lượng nhỏ... Tuy nhiên, trong quá trình tiếp cận địch để khai thác thông tin, H. bộc lộ sơ hở khiến chúng nghi ngờ. Vì vậy, mọi di biến của H. đều lọt vào tầm ngắm của an ninh địch. Thời cơ đến, chúng khống chế và giao nhiệm vụ cho H. Trước sự cám dỗ của đồng tiền cộng với lời đe dọa của tên trung úy an ninh quân đội tiểu khu Quảng Tín (nay thuộc T.P Tam Kỳ), H. đã nhận lời làm tình báo cho địch.

Sau đó, điều bất thường xảy ra mà ta vẫn chưa mảy may nghi ngờ, H. thường xuyên xung phong nhận nhiệm vụ và nhiệm vụ nào cũng hoàn thành dễ dàng. Tuy nhiên, khi những đồng chí cán bộ tiếp xúc với H. hoặc các cơ sở cách mạng mà H. biết lần lượt rơi vào tay giặc thì dấu hiệu nghi vấn dần dần xuất hiện. Qua cơ sở nội tuyến ở nhiều hướng, Ban An ninh thị xã Tam Kỳ tiến hành thẩm tra, phúc tra để tìm ra những biểu hiện bất minh trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ của một số cơ sở. Đồng thời, bằng giác quan nghề nghiệp, tôi - Trưởng ban An ninh Thị ủy, nhận định H. có dấu hiệu không rõ ràng trong khi nhận nhiệm vụ, không tỏ ra sợ sệt khi ra vào vùng ta và địch, nhất định H. có vấn đề. Thậm chí, đến giữa năm 1971, một số cơ sở ta bị địch bắt nhưng cô ta vẫn hoạt động bình thường. Song để không bắt nhầm người tốt, gây hoang mang trong nhân dân, ta tiếp tục giao cho H. một số nhiệm vụ khó khăn mà cơ sở bình thường không làm được hoặc không thể giao vì dễ bại lộ. Lúc đầu, H. từ chối khéo nhưng được cán bộ động viên nên thị đã nhận lời và hoàn thành theo yêu cầu của ta. Nắm đích xác đối tượng, Đội công tác liền phân công cơ sở theo dõi và phát hiện ra mỗi lần đi chợ Tam Kỳ, H. đều tiếp xúc, gặp gỡ tên trung úy an ninh quân đội. Đánh giá mức độ nguy hại do H. gây ra là rất lớn, nhưng cũng có thể lợi dụng H. để đánh lại địch nên tôi trực tiếp xây dựng phương án đối phó và báo cáo lên Ban An ninh tỉnh Quảng Nam xin ý kiến chỉ đạo. Được sự nhất trí của cơ quan an ninh tỉnh, Thị ủy vẫn duy trì quan hệ với H. như bình thường, cho phép cung cấp một số tình hình giả để đánh lừa địch. Mặt khác, Ban An ninh tỉnh tăng cường đồng chí Nguyễn Ngọc Thọ về đóng vai Phó ban Binh vận tỉnh, trực tiếp giúp Thị ủy phá án.

Những ngày cuối đông năm 1971, khi ra Kỳ Trà - vị trí đứng chân của Thị ủy, H. được đưa tới gặp đồng chí Phó ban Binh vận tỉnh Nguyễn Ngọc Thọ để nhận nhiệm vụ mới. Về thực chất, ta vẫn chủ trương khai thác các yếu tố địch đang tạo thuận lợi cho H. như: Thu mua hàng hóa, lương thực, thuốc men… Bấy giờ cũng là dịp gần Tết Nguyên đán, thời cơ buộc H. bộc lộ bản chất hai mặt đã đến. Bằng cách vừa khen thưởng, biểu dương về những thành tích công tác của H., ta vừa hứa hẹn đưa ra vùng căn cứ để dự lớp bồi dưỡng và có dịp gặp gỡ cán bộ lãnh đạo cấp cao của cách mạng. Để chuẩn bị cho chuyến đi của H., ngày từ trước đó, tôi đã giao cho Ban An ninh thị xã tìm cho được cành mai thế đẹp, sao cho nở rộ đúng sáng mồng một Tết, có đầy đủ lá xanh, búp non… thể hiện được đẳng cấp của người chơi mai để nhân dịp H. ra nhận công tác sẽ tặng cô ta gọi là quà của Ban lãnh đạo. Đúng như dự đoán của ta, H. đã bí mật tặng cành mai cho tên trung úy an ninh. Tên này vốn thân quen với tỉnh trưởng Quảng Tín - Đào Mộng Xuân nên y đã đem cành mai cắm trong phòng làm việc ở dinh tỉnh trưởng. Sau tết, địch bí mật đưa H. gặp Đào Mộng Xuân rồi cho vào Sài Gòn để bồi dưỡng nghiệp vụ trước khi đánh về căn cứ. Tất cả các động thái trên của địch đều nằm trong dự kiến của ta mà địch không hề hay biết nên khi H. trở lại Quảng Nam, chúng nghĩ rằng mình đã tung được một điệp viên có thể chui sâu, leo cao. Tuy nhiên, khi vừa lên vùng giải phóng, H. được gọi lên gặp tôi lúc này là Bí thư Thị ủy. Qua một lúc thăm dò, tôi đi thẳng vào vấn đề: “Chị cũng có công với chúng tôi, nhưng bây giờ chị là nguy hiểm. Chúng tôi có thể bắt chị giam giữ, cải tạo, nhưng để cho chị có cơ hội lập công chuộc tội”. Biết mình đã bị lộ, H. ngoan ngoãn khai nhận mọi tội lỗi, đồng thời H. cũng khai thêm một số cơ sở được địch cài lại trong vùng bàn đạp của ta. Sau đó, thực hiện nhiệm vụ của ta giao, H. còn cung cấp thêm thông tin về một đường dây gián điệp của địch đang hoạt động ngầm trong dân.

Việc bóc gỡ H., buộc H. phải quay lại hoạt động cho ta đã ngăn chặn được tác hại khôn lường cho cách mạng. Đồng thời, “kỳ án cành mai vàng” còn thể hiện sự nhạy bén, sắc sảo của lực lượng An ninh Tam Kỳ trong sử dụng nghiệp vụ để đấu tranh chống gián điệp hai mang trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước.

Trần Chí Thành kể, Nguyễn An Khánh ghi