Giám đốc HTX trồng khóm Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến - hội viên CCB Lâm Trường Thọ (bên trái) chung vui với nông dân trồng khóm Cầu Đúc.

Ngoài những sản vật nổi tiếng như lúa gạo, tôm cá, dừa, chôm chôm… ở vùng đất Hậu Giang của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) còn có loại trái cây nổi tiếng ngon ngọt, năng suất cao là cây khóm (dứa) Cầu Đúc - thứ cây xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu của bà con nơi đây.

Về xã Hỏa Tiến, T.P Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang trong những ngày này, đâu đâu chúng tôi cũng thấy toàn là khóm. Giám đốc HTX trồng khóm Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến - hội viên CCB Lâm Trường Thọ cho chúng tôi biết: khóm Cầu Đúc là một trong những cây trồng chủ lực của Hậu Giang, có diện tích hơn 1.600ha, trồng tập trung ở 2 xã Tân Tiến và Hỏa Tiến, T.P Vị Thanh và xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, năng suất trung bình 20 tấn/ha, tổng sản lượng đạt hơn 26.000 tấn/năm. Khóm Cầu Đúc đã có mặt tại xã Hỏa Tiến từ thập niên 30 của thế kỷ trước. Ban đầu chỉ một vài hộ trồng nhưng sau đó thấy khóm ngon, dễ trồng nên người dân trồng dọc theo bờ sông Cái Lớn. Lúc bấy giờ, xã có cây cầu xi-măng, bà con mang khóm ra bán dưới chân cầu, lâu ngày thành chợ và cái tên khóm Cầu Đúc cũng ra đời từ đó.

Trái khóm Cầu Đúc ngọt thanh, trọng lượng từ 1,5-2kg/trái, chế biến thành nước khóm ép, khóm sấy, mứt, kẹo; các món ăn ngon như thịt ba rọi xào khóm, canh chua khóm với cá rô đồng hay khóm kho cá… Tại vùng đất nhiễm mặn, nhiễm phèn nặng nề như Hậu Giang, cây khóm là dễ trồng, chi phí thấp, ít tốn công mà lại cho ăn đến 5-7 năm, giúp cải thiện kinh tế, giảm đói nghèo, nhiều gia đình làm ăn phát đạt từ trồng khóm, con cái được học hành đến nơi đến chốn… Đến nay, khóm Cầu Đúc đã có mặt khắp các thị trường trong cả nước và được xuất khẩu sang nhiều quốc gia khác. Hiện toàn xã có gần 900ha khóm trên 1.300ha diện tích đất canh tác.

Những năm gần đây, hạn hán, xâm nhập mặn gây rất nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, nhưng với người trồng khóm Cầu Đúc rất phấn khởi vì được mùa, trúng giá. Những ngày này, người trồng khóm Hậu Giang tất bật thu hoạch cuối vụ khóm. Theo CCB Lâm Trường Thọ, thời tiết những ngày qua rất thuận lợi cho cây khóm phát triển, nhờ vậy sản lượng và chất lượng khóm năm nay hơn hẳn các năm trước. Khóm loại 1 (từ 1kg/trái trở lên) được thương lái mua tại rẫy với giá 10.000-11.000 đồng, khóm trái nhỏ cũng 6.500 đồng/trái. Với mức này sau khi trừ chi phí, nông dân có thể thu lợi nhuận 50- 60 triệu đồng/năm/ha. Xã Hỏa Tiến (T.P Vị Thanh) là vùng đất nhiễm phèn và bị ảnh hưởng xâm nhập mặn, ngoài cây khóm thì rất ít cây trồng khác thích nghi. Chính vì vậy, nhiều nông dân nơi đây chọn cây khóm Cầu Đúc là cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế gia đình.

Đang tất bật thu hoạch khóm, CCB Lâm Ngọc Quang ở ấp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến (TP. Vị Thanh) phấn khởi cho chúng tôi biết: Năm nay trúng lớn, rồi vì giá khóm ở mức cao, khoảng 11.000 đồng/trái, chi phí chỉ từ 3.000-4.000 đồng/trái. Gia đình tôi có hơn 1ha khóm, với diện tích này tôi trồng khá thưa, chỉ khoảng 17.000 bụi, trong khi các hộ khác trồng từ 20.000-25.000 bụi/ha. Với cách trồng này, trái khóm to, đẹp hơn và ở đợt thu hoạch sau vẫn còn giữ được chất lượng trái tốt. “Không riêng gì tôi mà hầu hết người trồng khóm xứ này đều áp dụng phương pháp xử lý khóm cho trái nghịch vụ và chia ra 4 đợt thu hoạch trong năm, thay vì tập trung vào một mùa thuận như kiểu trồng truyền thống. Nhờ rải vụ mà khóm luôn bán được giá cao” - anh Quang chia sẻ.

Khóm Cầu Đúc từ lâu đã trở thành thương hiệu quen thuộc với người tiêu dùng, đầu ra sản phẩm ổn định nên nông dân yên tâm đầu tư, mở rộng diện tích trồng khóm. Đồng thời, chính quyền địa phương cũng xác định khóm là cây kinh tế chủ lực, giúp xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập… Còn CCB Võ Văn Chín, ở ấp 4, xã Vĩnh Viễn có trồng 1ha khóm bộc bạch: “Tôi đã gắn bó với cây khóm, gần 40 năm. Cũng giống với những loại cây trồng khác, giá khóm thường bấp bênh. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhờ được Nhà nước quan tâm trong việc chuyển giao khoa học kỹ thuật để xử lý khóm nghịch vụ và xây dựng thương hiệu khóm Cầu Đúc nên giá bán ngày càng cao và ổn định. Đặc biệt, trong ba năm gần đây, người trồng khóm xứ này sống khỏe lắm, đã có hộ thu nhập hàng trăm triệu đồng”. Lao động cần cù và thông thạo kỹ thuật, từ cây khóm, người dân đã có nhà cửa, xe máy, ô tô…

Cây khóm Cầu Đúc đã giúp người dân đổi đời. Người dân ai cũng vui.

Bài và ảnh: Phương Nghi