Doanh nhân CCB Trần Tấn Chương (bên phải) hỗ trợ 6 con dê giống cho gia đình ông Nguyễn Văn Nam, nhờ đó gia đình đã vươn lên khá giả.

Hội Doanh nhân CCB tỉnh Đắk Lắk (viết gọn là Hội) là tổ chức xã hội nghề nghiệp, trên tinh thần tự nguyện. Hội hoạt động theo quy định của pháp luật, nhằm hỗ trợ, trao đổi giao lưu kết nối bao tiêu sản phẩm của hội viên, đặc biệt là làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa.

Hiện nay, Hội có 295 hội viên, tổ chức thành lập được 6 Chi hội doanh nhân CCB cấp huyện, thị xã. Hội viên là những CCB, CQN đang là chủ doanh nghiệp, Công ty trang trại, HTX và các loại hình kinh doanh khác. 5 năm qua, mặc dù kinh tế có nhiều biến động, khó khăn nhưng phần lớn các doanh nghiệp do doanh nhân CCB tỉnh làm chủ vẫn sản xuất, kinh doanh ổn định. Nhiều doanh nghiệp có hàng trăm lao động, doanh thu của các thành viên trong Hội đạt hơn 1.000 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước hơn 70 tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động (nhiều lao động là con em CCB) với mức lương từ 5-7 triệu đồng/người/tháng.

Qua hoạt động sản xuất, kinh doanh xuất hiện nhiều điển hình, tiêu biểu như tấm gương CCB Trần Tấn Chương - Chi hội trưởng Chi hội Doanh nhân CCB huyện Cư M’gar. Dù gần 70 tuổi nhưng ông vẫn tích cực tham gia công tác xã hội, gắn kết các doanh nhân CCB trên địa bàn huyện để cùng giúp đỡ gia đình đồng chí, đồng đội có hoàn cảnh khó khăn. Hiện tại, ông đang đầu tư xây dựng, kinh doanh nhà hàng tiệc cưới ở số 35 Lý Thường Kiệt, thị trấn Quảng Phú, mỗi tháng tạo việc làm cho hơn 70 lao động địa phương. Thu nhập gia đình ông khoảng 500-700 triệu đồng/năm.

Những năm qua, Hội thành lập Công ty cổ phần doanh nhân CCB, một cửa hàng giới thiệu sản phẩm và một căng tin chuyên phục vụ cà phê, nhằm bao tiêu sản phẩm cho hội viên, giới thiệu sản phẩm của hội viên cho các tỉnh bạn, kết nối trao đổi sản phẩm. Hằng năm, Công ty trích một phần lợi nhuận hỗ trợ hoạt động của Hội, công tác “Đền ơn đáp nghĩa”... Những kết quả trong hoạt động kinh tế của Hội tuy nguồn lực còn nhỏ nhưng đã thực sự góp phần vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế tỉnh Đắk Lắk.

Bênh cạnh hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, các thành viên luôn chủ động tham gia đóng góp và ủng hộ hàng tỷ đồng, tặng Nhà tình nghĩa, thăm, tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán cho người nghèo, trong đó có CCB và nạn nhân chất độc da cam trong tỉnh. Hội thực hiện chương trình phối hợp chăm sóc các nạn nhân da cam, CCB nghèo, gia đình chính sách, gia đình có công, Mẹ VNAH như năm 2018, Hội tặng 300 xe đạp cho các cháu học sinh nghèo vượt khó trị giá 300 triệu đồng; năm 2019, Hội xây dựng 3 Nhà tình nghĩa, trị giá 180 triệu đồng cho 3 CCB nghèo tại phường Thành Nhất, T.P Buôn Ma Thuột; buôn Niêng, huyện Buôn Đôn... Năm 2020, Hội tặng quà cho Hội Nạn nhân da cam, tặng quà cho học sinh biên giới, tặng quà cho bộ đội Đồn Biên Phòng 879… trị giá hàng trăm triệu đồng. Tổng số tiền Hội làm công tác từ thiện thời gian qua lên tới hàng tỷ đồng.

Cùng với đẩy mạnh sản xuất kinh doanh đạt năng suất, chất lượng hiệu quả cao, các doanh nhân CCB trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh nông nghiệp và dịch vụ luôn gắn liền với bảo vệ môi trường, sinh thái, quốc phòng an ninh, góp phần xây dựng tỉnh Đắk Lắk ngày càng phát triển và giàu mạnh.

Đồng chí Đỗ Hồng Thanh - Chủ tịch Hội Doanh nhân CCB tỉnh Đắk Lắk cho biết: Thời gian tới, Hội tiếp tục đẩy mạnh xây dựng Hội vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức; đổi mới, nâng cao hơn nữa phương thức và hiệu quả hoạt động; phát triển Hội có số lượng hội viên tăng, chất lượng cao; chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nhiệm vụ chính trị của địa phương; tích cực tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, xã hội từ thiện…

Nguyễn Mạnh Dũng