Bảo hiểm xã hội (BHXH) được coi là “của để dành”, là chỗ dựa cho người lao động (NLĐ) trước những lúc rủi ro khi đang làm việc và lúc về già. Hầu hết NLĐ khi tham gia thị trường lao động đều mong muốn có công việc ổn định với mức lương đảm bảo cuộc sống và có một khoản dự phòng lúc ốm đau, có nguồn tích lũy khi hết tuổi lao động. Tuy nhiên, thời gian qua, thực trạng người rút BHXH một lần có chiều hướng gia tăng đang là thực trạng gây tác động tiêu cực đến đảm bảo an sinh xã hội lâu dài của người dân.

Khi nhận BHXH một lần, đồng nghĩa NLĐ rời khỏi hệ thống BHXH, tự tước bỏ quyền được tham gia, thụ hưởng các chế độ, đặc biệt là các chế độ dài hạn, như: Hưu trí, tử tuất, bảo hiểm y tế miễn phí... Nhưng tình trạng này đang ngày một gia tăng.

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, từ đầu năm 2023 đến nay, trung bình mỗi tháng, cả nước có gần 100.000 người hưởng BHXH một lần. Hai tháng đầu năm 2024, BHXH T.P Hà Nội giải quyết chế độ một lần cho 4.626 người. So với cùng kỳ năm 2023, số người rút BHXH một lần trên địa bàn Hà Nội tăng 809 người, tương ứng với mức tăng 21,19%. Trong 3 tháng đầu năm, tỉnh Vĩnh Long có 5.291 người hưởng BHXH một lần, tăng 399 người (tương ứng 8,2%) so với cùng kỳ năm 2023.

NLĐ rút BHXH một lần do nhiều nguyên nhân. Những năm gần đây, không ít NLĐ bị ảnh hưởng về việc làm, thu nhập, khiến cuộc sống gặp nhiều khó khăn, buộc họ phải tiêu trước “của để dành”. Ngoài ra, thực tế có một số người chưa hiểu rõ vai trò “giá đỡ” an sinh của chính sách, nên dù không quá cấp bách, họ vẫn đề nghị hưởng BHXH một lần và sử dụng để chi tiêu... Đa số NLĐ có thu nhập không cao, khả năng tích lũy không nhiều dẫn đến khi mất việc làm phải đối mặt với các nhu cầu tài chính trước mắt rất lớn. Bên cạnh đó tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn, đặc biệt là trong giai đoạn từ năm 2020 đến nay, dẫn đến nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động, thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh dẫn đến cắt giảm lao động. Tình trạng lao động thiếu việc làm, không có việc làm, mất việc làm gia tăng số người hưởng BHXH một lần.

Thị trường lao động những tháng đầu năm 2024 đã khởi sắc trở lại, nhiều doanh nghiệp trên có nhu cầu tuyển thêm lao động để đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Lương và phúc lợi cho người lao động vì thế cũng tăng lên. Tuy nhiên, do nguồn cung khan hiếm và “lệch pha” cung - cầu nên nhiều doanh nghiệp vẫn "khát" lao động. Trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng yêu cầu cao về tay nghề, kỹ năng cũng như nền kinh tế có dấu hiệu suy thoái và thiếu tính ổn định, cơ hội để NLĐ thất nghiệp tìm kiếm được công việc tốt là rất khó khăn. Trong khi đó, số người có việc làm phi chính thức (bao gồm cả lao động làm việc trong hộ nông nghiệp) trong quý I-2024 là 33,3 triệu người, tăng 240,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do số lao động phi chính thức ở khu vực dịch vụ tăng (tăng 696,3 nghìn người). Trong đó, số lao động làm công việc tự sản tự tiêu là 3,9 triệu người, tăng 492,4 nghìn người so với quý trước. Hiện tượng dịch chuyển công việc từ khu vực chính thức sang khu vực phi chính thức cho thấy, hiện nay NLĐ có nhiều lựa chọn làm việc có mức thu nhập hấp dẫn hơn hoặc đáp ứng điều kiện sinh sống của mình. Đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng rút BHXH một lần.

Bên cạnh đó, chế độ hưu trí, điều kiện hưởng lương hưu cũng làm nhiều NLĐ phân vân. Nếu người lao động đi làm từ 18 tuổi và phải chờ đến 62 tuổi với nam và 60 với nữ mới đủ tuổi nghỉ hưu, thì người lao động phải đóng BHXH tới 44 năm với nam và 42 năm với nữ là rất dài, nhưng thực tế tại nhiều doanh nghiệp, số NLĐ trên 50 tuổi có rất ít vì ở độ tuổi đó NLĐ không đủ sức khỏe tiếp tục làm nên xin nghỉ việc về quê hoặc tìm công việc khác. Ngoài ra, hiện nay có không ít người lao động nghỉ hưu chỉ được nhận lương hưu hơn 2 triệu đồng/người/tháng do cách tính tiền lương hưu hiện nay là bình quân cả quá trình đóng BHXH. Với số tiền này, người nghỉ hưu không đủ sống. Vì thế, nhiều người lao động tính toán để nhận BHXH một lần vì e ngại phải chờ đợi quá lâu mới đủ độ tuổi để nghỉ hưu.

Hiện nay, BHXH một lần và trợ cấp thất nghiệp là hai chế độ an sinh xã hội khác nhau, thiếu sự liên kết, hỗ trợ từ chính sách Bảo hiểm thất nghiệp dẫn đến chưa thực hiện tốt việc duy trì việc làm cho người lao động (hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ học nghề; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề để chuyển đổi nghề nghiệp). Dưới góc độ chính sách, chính sách BHXH một lần được quy định trong dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cần được thiết kế trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa các bên, bảo đảm lợi ích trước mắt và lâu dài của NLĐ...

Hồ Thanh Hương