Thời gian gần đây, nước ta ghi nhận nhiều trường hợp mắc bệnh dại. Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 17 ca tử vong nghi dại hoặc do dại ở 13 tỉnh/thành phố, tăng hơn 8 ca so với năm 2023.

Bệnh lây truyền từ động vật sang người qua vết cắn, vết thương, vết cào, liếm của động vật, thường gặp ở chó, mèo. Thời gian ủ bệnh dại từ 2-8 tuần, nhanh khoảng 10 ngày và dài có khi 1-2 năm, tùy lượng virus và độ nặng vết thương. Người bệnh sẽ nhiễm virus cấp tính tại hệ thần kinh trung ương. Triệu chứng khởi đầu của bệnh là: Mệt mỏi, nhức đầu, sốt, cảm giác sợ hãi... Bước vào giai đoạn viêm não thường có biểu hiện như mất ngủ, tăng cảm giác kích thích (sợ ánh sáng, sợ tiếng động, sợ gió). Mức độ nguy hiểm nhất là rối loạn thần kinh thực vật với đồng tử giãn, vã mồ hôi, tăng tiết nước bọt…

Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100%. Bệnh dại nguy hiểm, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng đã có vắc-xin phòng và người dân hoàn toàn có thể phòng tránh được. Khi bị chó cắn, mèo cào, người dân nên đến các cơ sở y tế để được bác sĩ tư vấn, hướng dẫn tiêm vắc-xin hoặc huyết thanh phòng bệnh. Đặc biệt đối với trẻ nhỏ nên giúp trẻ hiểu và khai báo sớm nếu bị động vật cắn, cào làm bị thương để người lớn xử lý kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều người nhận thức sai lầm nên không tiêm vắc-xin dại vì lo ngại vắc-xin sẽ ảnh hưởng đến hệ thần kinh, sức khỏe. Từ đó, tự ý chữa bệnh bằng các phương pháp chưa được Bộ Y tế công nhận khi bị chó, mèo hay vật nuôi cắn là điều hết sức sai lầm bởi hầu hết các trường hợp tử vong vì dại đều do không đi tiêm phòng vắc-xin.

Những trường hợp cần tiêm phòng dại sau khi bị chó, mèo cắn: Động vật gây ra vết cắn, cào chảy máu, cào sâu, nhiều vết, cào gần thần kinh trung ương (như đầu, mặt, cổ), ở vùng có nhiều dây thần kinh như đầu chi, bộ phận sinh dục; động vật gây ra vết xước, liếm trên vùng da bị tổn thương, niêm mạc; động vật tại thời điểm cắn người có triệu chứng dại hoặc không theo dõi được động vật sau khi cắn người. Thời gian tiêm phòng tốt nhất là trong khoảng 24 giờ sau khi bị chó cắn.

Theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, để chủ động phòng, chống bệnh dại, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau: Tiêm phòng bệnh dại đầy đủ cho chó, mèo, vật nuôi và tiêm nhắc lại hằng năm theo khuyến cáo của ngành thú y; không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm; không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo. Với những người tiếp xúc thường xuyên với động vật như nhân viên thú y, kiểm lâm... cũng cần chích ngừa định kỳ.

Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm cần rửa sạch và sát trùng vết thương, nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để chích vắc-xin, huyết thanh kháng dại kịp thời. Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa hay nhờ thầy lang chữa bệnh dại.

Bệnh dại là bệnh nguy hiểm, do đó, khi bị động vật dại cắn hay bất kỳ động vật nào nghi ngờ bị dại cắn cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và tiêm phòng vắc-xin, điều trị phơi nhiễm kịp thời.

Thành An