Hội nghị toàn thể hội viên Hội Cựu chiến binh (CCB) của xã mới sau khi sáp nhập 4 xã dù “đã thành công tốt đẹp” như lời tuyên bố bế mạc của đồng chí Chủ tịch Hội, nhưng một số hội viên vẫn còn ở lại tỏ rõ thái độ bức xúc về “phát biểu chỉ đạo” của đồng chí thay mặt Đảng ủy, HĐND, UBND xã.

- Ông ấy không phải “phát biểu chỉ đạo” mà đọc văn bản giấy dài lê thê có đoạn tôi thấy giống hệt như báo cáo của Chủ tịch Hội CCB xã.

- Thật đáng buồn, phát biểu động viên, tán dương, định hướng hoạt động của Hội CCB quen thuộc mà sao vị này không thể thoát ly được văn bản?

- Phải gọi là “đọc chỉ đạo” mới đúng vì tôi có thấy ông ấy ngẩng mặt lên đâu...

Nghe các hội viên phát biểu, tôi chợt nhớ một kỷ niệm không vui cách đây mấy năm khi tháp tùng một đồng chí lãnh đạo cấp tỉnh đến dự lễ khai giảng của một trường học. Trước buổi lễ, tại phòng khách của trường, đồng chí Hiệu trưởng nhờ tôi chuyển đến đồng chí lãnh đạo bài diễn văn khai giảng của Hiệu trưởng thay cho bản báo cáo thành tích.

Vừa nghe xong bài diễn văn của Hiệu trưởng, đến lượt lãnh đạo phát biểu chỉ đạo, không hiểu vì lý do gì mà vị này lại lấy bài diễn văn của Hiệu trưởng đọc lại. Cả hội trường xôn xao. Tôi vội vàng chạy lên gặp vị lãnh đạo nói nhỏ rằng đọc nhầm... Sau đó, bài “phát biểu chỉ đạo” chính thức cũng được đọc và ngày hôm sau thì tôi phải làm bản kiểm điểm vì “lỗi đưa nhầm bài phát biểu chỉ đạo”.

Có một thực tế đáng báo động hiện nay là một số cán bộ chưa thật sự trăn trở, tâm huyết với ý kiến chỉ đạo của mình dành cho cấp dưới. Một phần, do mật độ hội họp dày đặc; phần khác là kiến thức, trình độ ở một số lĩnh vực khác nhau có mặt chưa toàn diện, chưa thật uyên bác nên cán bộ không trực tiếp chuẩn bị ý kiến phát biểu bằng chính kiến thức, tâm huyết của mình mà phó thác, khoán trắng cho thư ký, cấp dưới hoặc giao cho đơn vị chức năng. Thành thử, khi phát biểu, thủ trưởng buộc lòng “chấp nhận” phương án “đọc văn bản chỉ đạo”.

Thiết nghĩ, trong cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy hiện nay, cần ưu tiên loại bỏ những cán bộ đọc “chỉ đạo” này.

Anh Minh