Binh đoàn xe đạp thồ trên đường ra chiến dịch

Trên cương vị Cục phó Cục Tổ chức - Cán bộ, đồng chí Đồng Sĩ Nguyên (sau này là Trung tướng Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng) đã ghi lại những kỷ niệm sâu sắc tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ (trích hôi ký “Trọn môt con đường”, Nxb QĐND, 2023). Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

…Vừa hoàn thành nhiệm vụ Phái viên của Bộ Tổng tư lệnh trong chiến dịch Trung - Hạ Lào về được một tuần, ngày 16-1-1954, tôi (đang là Cục phó Cục Tổ chức - Cán bộ) được Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Nguyễn Chí Thanh cho gọi lên giao phụ trách công tác tổ chức - cán bộ chiến dịch Điên Biên Phủ. Anh căn dặn trong chiến dịch này cần tập trung giải quyết hai nhiệm vụ cụ thể:

- Về công tác Đảng, bám sát đơn vị, trong mọi hoàn cảnh phải làm công tác tư tưởng thật tốt, trọng tâm là công tác đảng, công tác cán bộ. Có thể chiến dịch sẽ kéo dài, nên phải tính toán nguồn tại chỗ thật chủ động và rộng hơn; khi cần phải triển khai nhanh, gọn, thà yếu chứ không để thiếu.

- Quá trình tham gia chiến dịch, kết hợp nắm tình hình công tác cung cấp, đặc biệt là lực lượng vận tải trên tuyến vận tải từ hậu phương lên. Đây là công tác vô cùng khó khăn gian khổ. Cần bàn với các đồng chí phụ trách các đơn vị vận tải chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho anh chị em dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong…

Nhận nhiệm vụ khi công tác chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ đã được các cơ quan, đơn vị tiến hành một tháng rưỡi, nên không thể trù trừ, tôi xin phép anh Thanh được lên đường ngay. Rất may là lúc đó có chiếc xe Jeep chiến lợi phẩm mang về từ Lào, nên tôi có thể yên tâm vượt đường đèo lên Tây Bắc…

Từ Cơ quan Bộ Tổng tư lệnh ở Định Hóa, Thái Nguyên, tôi qua Phú Thọ rồi qua phà Tạ Khoa, vượt đèo Cà… lên Sơn La. Đền ngã ba Cò Nòi, tôi tìm vào Sở chỉ huy tiền phương Cục Vận tải Tổng cục Cung cấp, may mắn gặp được anh Đinh Đức Thiện - Cục trưởng đang chỉ huy ở đây. Đã 8 năm kể từ ngày hai anh em dự lớp huấn luyện ở Trường Nguyễn Ái Quốc tại Hà Đông, nay chúng tôi mới có cuộc hội ngộ. Anh vẫn giản dị, thẳng thắn, cởi mở như trước; riêng bệnh nói tục hình như nặng thêm. Thấy tôi đột ngột bước vào lán chỉ huy, anh đứng nhìn trân trân một lúc như không tin, rồi vừa bắt tay tôi, vừa xả một tràng “của quý”, liến thoắng như máy khâu:

  - Nghe bảo mày đi Trung - Hạ Lào, sao lại lên đây? Mà lại đi xe hơi nữa, sướng thật! Lính cung cấp bọn tao làm mửa mật, không như mấy thằng chính trị chúng mày, chuyên chỉ đánh giặc mồm!

Biết tính anh cứ ồn ào, thẳng ruột ngựa, nghĩ sao nói vậy, tôi vừa đùa vừa đáp:

- Đánh giặc mồm mà thắng mới giỏi. Anh không thấy trong Tam Quốc, Quân sư đánh giặc mồm trước, sau mới dùng đến giáo mác, cung tên… đó sao?

- Thôi thôi! Lý sự, kinh điển thì chịu chúng mày rồi…

Hơn 1 giờ làm việc với anh Thiện, được anh kể khái quát về tình hình tiếp tế, vận chuyển, về lực lượng vận tải cơ giới non trẻ của chúng ta tham gia chiến dịch rất khí thế. Anh tâm sự, ta đánh giặc bằng ba thứ quân: Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích. Nhưng tổ chức vận tải lúc này không biết bao nhiêu thứ quân, nào xe ô tô, xe đạp, ngựa thồ, thuyền mảng, trâu bò, gồng gánh… Sức mạnh của nhân dân là vô tận.

Anh dặn tôi: “Có dịp, mày nói cho mấy anh chỉ huy chiến đấu rằng, muốn đánh thắng, đội quân vận tải phải đi trước, cha ông ta vẫn nói “Thực túc binh cường”. Nhưng cái khó nhất của bọn tao lúc này là đường độc đạo, quá xấu, rất hiểm trở, lại bị địch đánh phá thường xuyên, nên kế hoạch thường bị vỡ”.

Tôi sẻ chia cùng anh nỗi lo lắng, trách nhiệm nặng nề của người làm công tác hậu cần trong một chiến dịch xa hậu phương, đường sá vô cùng khó khăn…, và cũng nói để anh yên tâm rằng không phái nhắc ai đâu, cán binh ta hết thảy đều hiểu gánh nặng và vai trò to lớn của quân - tướng hậu cần.

Chia tay anh Thiện, chúng tôi ngược đường số 6 đi thật nhanh, sợ rằng lên không kịp mở màn chiến dịch. Đến Sơn La, tôi cho dừng xe, thăm một đơn vị dân công xe thồ của huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa, đang dừng nghỉ tại lán cạnh đường. Làm việc với Ban Chỉ huy đội, tôi giới thiệu về mình và đề nghị được gặp, trao đổi với anh em.

Trong chừng nửa giờ tôi hỏi và nói chuyện với anh em, cởi mở, vui vẻ. Qua hỏi chuyện, được biết anh em thuộc đội chuyển tiếp lương thực từ Mai Sơn, Hòa Bình lên Sơn La. Nếu thông suốt mỗi chuyến cả đi và về mất từ 6 đến 7 ngày. Tùy sức vóc từng người, mỗi xe chở được từ 60-70 cân, cộng thêm 6 cân để ăn. Qua sáu cung từ Thanh Hóa đến tay bộ đội ở Điện Biên, người vận chuyển sử dụng mất 55% số gạo trên xe, bộ đội chỉ sử dụng 45%. Nếu ta huy động được nguồn cung cấp tại chỗ hoặc các tỉnh lân cận Điện Biên, thì hiệu quả sẽ lớn hơn. Nhưng lúc này ta đã dốc hết nguồn lực cho mặt trận, vì vậy vừa phải huy động tại chỗ, vừa vận chyển từ hậu phương lên…

Từ Sơn La lên Điện Biên lúc này duy nhất chỉ có đường số 6, vừa độc đạo, hẹp và xấu; địch lại cho máy bay “đầm già” quần đảo, oanh tạc suốt ngày, biến những quãng xung yếu như đèo Pha Đin thành “điểm chết”.Vì vậy, công binh, thanh niên xung phong, công nhân giao thông… phải căng mình ra sửa đường, san lấp hố bom để người, xe, pháo hành quân.

Qua Tuần Giáo một quãng, chúng tôi gặp một đơn vị thuộc Đại đoàn 308 đang khẩn trương, bí mật vào vị trí tập kết chuẩn bị mở màn chiến dịch. Gặp gỡ các anh trong Bộ Tư lệnh đại đoàn, được biết Bộ Chỉ huy chiến dịch đang triệu tập hội nghị cán bộ bàn kế hoạch tác chiến mới tại Sở chỉ huy Mường Phăng.

Nghe nói vậy, tôi quyết định vào ngay Mường Phăng. Nghe báo tôi lên, anh Lê Liêm - Phó chủ nhiệm TCCT, Chủ nhiệm Chính trị mặt trận đón đợi, thân mật hỏi và rất phấn khởi khi tôi báo cáo cụ thể kết quả của chiến dịch Trung - Hạ Lào. Anh thông báo sau khi nghiên cứu tình hình của ta và địch ở Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định thay đổi phương châm tác chiến chiến dịch từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Sau này, Đại tướng - anh Văn đã tâm sự với chúng tôi rằng, đây là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời cầm quân của anh. Quyết định trên thể hiện sự sắc sảo, tầm nhìn chiến lược, xem xét đến tính toàn cục trên các mặt trận của vị Đại tướng Tổng Tư lệnh, một thiên tài quân sự Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.

Giữa trưa ngày 26-1-1954, Đảng ủy chiến dịch họp, hoàn toàn nhất trí với quyết định chuyển phương châm tác chiến chiến dịch của Đại tướng và sau khi báo cáo lên trên, quyết định của anh cũng được Bộ Chính trị và Bác Hồ chấp thuận.

Sau cuộc họp, anh Lê Liêm dí dỏm bào tôi:

- Số cậu thế mà hên, được đi cả hai chiến dịch lớn. Lên Điện Biên cũng thật đúng lúc. Một vài hôm nữa sẽ có cuộc họp cán bộ chủ trì các cơ quan, đơn vị tham gia chiến dịch để thảo luận quán triệt phương châm tác chiển mới.

Anh Lê Liêm phân công tôi sau hội nghị xuống một số đại đoàn để nắm tình hình. Anh cho rằng, quyết định thay đổi phương châm tác chiến là một vấn đề rất lớn, làm đảo lộn toàn bộ quá trình chuẩn bị đã cơ bản hoàn tất, bộ đội đang chờ lệnh nổ súng…; nay phải quay ra làm lại gần như từ đầu, chắc chắn phát sinh nhiều vấn đề trong nhận thức, tư tưởng bộ đội; nhưng chắc chắn ở hội nghị sắp tới sẽ giải quyết được.

Ngày 7-2, Hội nghị cán bộ chủ trì được tiến hành tại Sở Chỉ huy Mường Phăng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp điểm qua tình hình thắng lợi của ta trên các hướng chiến trường phối hợp với Điện Biên Phủ. Tiếp đó, Đại tướng tập trung phân tích cụ thể, đầy sức thuyết phục về quyết định thay đổi phương châm tác chiến chiến dịch Điện Biên Phủ, rồi khẳng định: Dù phương châm nào cũng phải theo sát diễn biến chiến đấu để chuyển hóa; “đánh chắc, tiến chắc” là bảo đảm đánh chắc thắng, bảo đảm cho quyết tâm chiến dịch được thực hiện vững chắc. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là cứng nhắc. Khi điều kiện và thời cơ cho phép, ta sẽ dứt điểm nhanh. Thực hiện phương châm “đánh chắc, tiến chắc” đòi hỏi mọi việc chuẩn bị phải thật bí mật, chu đáo, tỉ mỉ, đặc biệt là công sự, ngụy trang cho người, xe, pháo, thông tin, cung cấp… Sở Chỉ huy các cấp đều phải có công sự, kiên cố…

Đồng Sĩ Nguyên kể, Duy Tường ghi

(Còn nữa)