CCB Bùi Đức Chính (bên phải) chia sẻ kinh nghiệm phát triển xưởng chế biến gỗ với hội viên Hội CCB thị trấn Bo (Kim Bôi, Hòa Bình).

Những chuyển biến tích cực

Sau hơn 10 năm triển khai Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ, cả nước đã hỗ trợ đào tạo nghề các trình độ cho hơn 9,6 triệu lao động nông thôn - trong đó có lực lượng không nhỏ là CCB.

Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn góp phần nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo từ 40% (có văn bằng chứng chỉ đạt 14,6%) năm 2010 lên 64,5% (có văn bằng chứng chỉ đạt khoảng 24,5%) năm 2020. Nhờ đó, thực hiện chuyển dịch cơ cấu lao động xã hội từ 48,6% làm nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản năm 2010 xuống còn khoảng 34% năm 2020.

Chính quyền các cấp ở địa phương ngày càng chủ động hơn trong xây dựng kế hoạch đào tạo nghề hằng năm, gắn đào tạo nghề với quy hoạch phát triển sản xuất, quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Một số doanh nghiệp, HTX bước đầu đã quan tâm, hợp tác với các cơ sở đào tạo để xây dựng giáo trình, hỗ trợ địa bàn thực tập, tuyển dụng học viên sau khóa học. Nhiều đơn vị tích cực tổ chức tập huấn, tuyên truyền, triển khai các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Thực hiện Quyết định của Chính phủ, chỉ tính trong 3 năm, từ 2018-2020, Hội CCB Việt Nam đã tổ chức tập huấn đào tạo nghề cho 2.250 hội viên CCB tại 15 tỉnh, như: Phú Thọ, Quảng Bình, Quảng Trị, Đắk Lắk, Bến Tre, Tuyên Quang, Nghệ An… Nội dung chính nhằm phổ biến Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27-11-2009 và Quyết định 971/QĐ-TTg ngày 1-7-2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”; thực trạng, giải pháp đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn ở Việt Nam và các tỉnh hiện nay; một số chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, của các tỉnh trong nông nghiệp, nông thôn; nông dân Việt Nam tiến tới đào tạo nghề chất lượng cao đáp ứng nguồn nhân lực cho cách mạng công nghiệp 4.0. Đồng thời, Hội còn tổ chức đoàn giám sát, kiểm tra việc triển khai thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn; các cơ sở đào tạo nghề của địa phương; chất lượng, hiệu quả, năng suất lao động của đối tượng sau khi được đào tạo và kết quả giới thiệu việc làm sau khi được đào tạo...

Hội CCB các tỉnh, thành phối hợp tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng sản xuất, làm kinh tế; hướng dẫn cho hội viên vay vốn tín dụng từ Ngân hàng CSXH để phát triển kinh tế, xóa nghèo. Nhiều tỉnh, thành Hội thực hiện ký kết với Hội Doanh nhân CCB các tỉnh, thành nhằm tạo cơ hội cho hội viên kết nối, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh với các doanh nhân, doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, trang trại CCB ngoài tỉnh. Từ đó, Hội CCB các cấp đã khơi dậy ý chí vươn lên làm giàu của hội viên.

Kiến nghị của Hội CCB một số tỉnh, thành phố

Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng còn rất nhiều khó khăn, hạn chế. Thông qua báo cáo kết quả giám sát tại một số tỉnh, thành Hội cho thấy: Đối tượng học viên trình độ không đồng đều, nên kết quả ở một số lớp còn hạn chế; CCB tham gia học bỏ công việc sản xuất, công việc hằng ngày nên tham gia học tập gặp khó khăn (do CCB không có ngân sách hỗ trợ); một số địa phương đại đa số CCB là người dân tộc thiểu số, ở khu vực vùng sâu, xa trung tâm đào tạo, việc đi lại hoặc phải lưu trú gặp khó khăn (định mức hỗ trợ tiền đi lại, tiền ăn còn hạn hẹp); thời gian của các lớp đào tạo nghề thường ngắn và trang thiết bị đào tạo nghề hạn chế, chỉ khoảng 3 tháng nên học viên mới sơ bộ nắm được cách sử dụng công cụ và kiến thức cơ bản, tư duy và kĩ năng chưa đủ để xin việc hoặc tự tạo việc làm riêng…

Trước thực trạng nêu trên, Hội CCB Việt Nam có đề xuất kiến nghị Chính phủ, Bộ LĐTBXH tiếp tục quy hoạch, đầu tư vào cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đầu tư vật chất, đội ngũ giáo viên; nên quy hoạch theo khu vực, không dàn trải huyện nào cùng phải có cơ sở đào tạo,  mà căn cứ vào nhu cầu của địa phương để mở lớp. Từ đó góp phần nâng cao nhận thức và thu nhập cho lao động nông thôn, góp phần vào sự nghiệp CNH, HĐH đất nước trong những năm tiếp theo.

MAI PHƯƠNG