Nhà báo Văn Chung

Đại tá, nhà báo Nguyễn Văn Chung (bút danh Văn Chung) - nguyên Phó giám đốc Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội, nguyên Phó tổng biên tập Kênh Truyền hình Quốc phòng Việt Nam, sẽ giúp bạn đọc hiểu thêm về bề rộng và chiều sâu của Báo chí Cách mạng Việt Nam nói chung, báo chí Quân đội nói riêng.

“Tâm” và “tầm” của nhà báo

PV: Thưa đồng chí, những ngày này, trên các phương tiện truyền thông nhắc nhiều tới nghề báo và tôn vinh những người làm báo. Vậy theo đồng chí, vai trò của báo chí được thể hiện như thế nào trong từng giai đoạn cách mạng?

Nhà báo Văn Chung: Về vai trò của báo chí đối với sự nghiệp cách mạng, tôi xin được nhắc lại quan điểm của Lãnh tụ V.I. Lênin mà Bác Hồ của chúng ta rất tâm đắc, đó là: Báo chí là người tuyên truyền tập thể, cổ động tập thể và tổ chức tập thể. Điều này lý giải vì sao ngay từ tháng 6-1925, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã sáng lập tờ Báo Thanh Niên, khai sinh ra nền Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Vai trò đó là bất biến, nhưng trong từng giai đoạn cách mạng, nhiệm vụ đặt ra với báo chí có những yêu cầu khác nhau. Trong bối cảnh hiện nay, khi cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, càng cần báo chí phát huy vai trò định hướng, phản biện xây dựng và dẫn dắt dư luận xã hội. Đây là vấn đề không quá mới, nhưng còn nguyên tính thời sự nóng hổi, là một trong những yêu cầu hàng đầu đối với cơ quan báo chí và từng nhà báo. Điều đó càng có ý nghĩa đặc biệt trong môi trường số, mạng xã hội phát triển với tốc độ chóng mặt, thách thức những thế mạnh vốn có của báo chí truyền thống.

PV: Sức mạnh của báo chí được ví như “quyền lực thứ tư”. Đồng chí nghĩ sao về điều này?

Nhà báo Văn Chung: Khái niệm “quyền lực thứ tư” xuất hiện từ cuối thế kỷ 18 ở các nước phương Tây, tuy không chính thức, nhưng như một sự tôn vinh của xã hội đối với vai trò của báo chí. Lâu dần, người ta mặc định khái niệm “quyền lực thứ tư” là quyền lực của báo chí. Điều đó cho thấy, xã hội rất coi trọng báo chí và thực tế báo chí đã làm tốt vai trò của mình trong việc cung cấp thông tin, phản biện xã hội, tham gia quản lý xã hội và định hướng dư luận... Nhưng nguy hiểm ở chỗ, có cơ quan báo chí và một số nhà báo ngộ nhận về “quyền lực thứ tư”, dẫn đến những sai trái, thậm chí vi phạm rất đáng tiếc. Do vậy, cần phải thường xuyên trau dồi nhận thức về nghề báo và đạo đức báo chí cho đội ngũ những người làm báo.

PV: Là người từng trải qua các vị trí công tác ở nhiều loại hình báo chí, vậy đâu là loại hình báo chí mà đồng chí tâm huyết và “ưu tiên” hơn cả?

Nhà báo Văn Chung: Trong 41 năm quân ngũ, tôi có gần 35 năm làm báo. Đúng là mỗi loại hình báo chí có đặc thù, thế mạnh, phạm vi ảnh hưởng và sức lan tỏa khác nhau. Nhưng tôi cho rằng, muốn thành công, thì dù ở loại hình báo chí nào cũng đòi hỏi sự dấn thân. Nói cách khác là anh phải làm báo với tất cả sự đam mê. Ngoài năng khiếu và điều kiện học tập, đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ, thì yếu tố quan trọng nhất đối với người làm báo là niềm đam mê nghề nghiệp. Thiếu ngọn lửa nghề, anh chỉ là một phóng viên nửa vời, dù có được đào tạo bài bản đến đâu. Với tôi, không có chuyện ưu tiên hơn, tâm huyết hơn với loại hình báo chí nào. Khi đã dấn thân thì chính nghề báo sẽ dẫn dắt tới chỗ mà anh có thể cống hiến tốt nhất khả năng, sở trường của mình. Nghề chọn người là thế.

Tất nhiên, chỉ tâm huyết thôi cũng chưa đủ. Vì sứ mệnh nghề báo - nhà báo được xã hội trao cho rất cao cả, thiêng liêng, đòi hỏi bản lĩnh, trí tuệ, sự dũng cảm và tính trung thực. Bởi mỗi tác phẩm báo chí - sản phẩm của nhà báo và cơ quan báo chí - đều có thể có ảnh hưởng sâu rộng tới công chúng, tới xã hội.

Tố chất cần thiết của nhà báo

PV: Thưa đồng chí, một nền báo chí phát triển mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mỗi giai đoạn cách mạng, tất yếu cần có những người làm báo xứng tầm. Theo đồng chí, phẩm chất và tố chất cần thiết của một nhà báo là gì?

Nhà báo Văn Chung: Những điều này nhiều bậc lão thành của báo chí cách mạng đã nói, đó cũng là bài học nhập môn của nghề báo.

Nếu có điểm khác của nghề báo so với các nghề khác, chính là trách nhiệm xã hội (vai trò định hướng, dẫn dắt dư luận...) của báo chí và của nhà báo. Để làm tròn trách nhiệm nặng nề đó, đòi hỏi mỗi cơ quan báo chí và từng nhà báo phải nỗ lực không ngừng để hình thành phong cách, tư chất của một nhà báo cách mạng. Nói cách khác, mỗi nhà báo cần tích cực trui rèn để trở thành một cán bộ cách mạng vừa “hồng”, vừa “chuyên” như Bác Hồ đã dạy, một nhà báo có “tâm”, có “tầm”.

PV: Đồng chí có thể luận giải rõ hơn chữ “tâm” và cái “tầm” của nhà báo?

Nhà báo Văn Chung: Cụ thể hơn thì chữ “tâm” cũng không ngoài những tiêu chí đạo đức căn bản của người cán bộ của Đảng, và cao hơn, thể hiện ở chỗ đạo đức nghề nghiệp của người làm báo không bị bẻ cong trước những thử thách về lợi ích quyền lực và vật chất. Đây là việc khó. Nhà báo cũng là con người. Làm sao để họ sống được bằng nghề mà không bị chi phối bởi các yếu tố vật chất? Giải bài toán này còn là trách nhiệm của cơ quan báo chí và cán bộ quản lý báo chí đối với đội ngũ nhà báo trong cơ quan mình.

Nói đến chữ “tầm”, tôi chỉ muốn nhấn mạnh: mỗi nhà báo phải tinh thông nghiệp vụ. Có tinh thông mới sắc sảo trong phát hiện vấn đề, trong thu thập và xử lý thông tin, trong cách thức cung cấp thông tin mang lại lợi ích cho công chúng và đất nước. Điều đó đòi hỏi sự “dấn thân” của mỗi nhà báo - như tôi đã nêu ở phần đầu. Có khi chỉ là thay đổi vài từ, thay cái “tít” trước khi bài báo lên khuôn hay phát sóng đều là nỗ lực không mệt mỏi của nhà báo. Khi nhà báo đạt được chữ “tâm” và cái “tầm” sẽ được công chúng và đồng nghiệp trân trọng.

PV: Là một nhà báo quân đội, đã từng tác nghiệp ở những nơi gian khó, hiểm nguy, xin đồng chí cho biết tính chất và nét riêng của nhà báo - chiến sĩ là gì?

Nhà báo Văn Chung: Nhà báo - Chiến sĩ. Bốn từ đó đã nói lên nhiều điều. Để là một nhà báo - chiến sĩ thực thụ, trước tiên phải là một người sẵn sàng vượt qua mọi gian nguy, thử thách, dám chấp nhận cả sự hy sinh. Nhà báo - chiến sĩ phải gắn bó mật thiết với đời sống bộ đội, với môi trường Quân đội để thấu hiểu sự hy sinh thầm lặng của cán bộ, chiến sĩ và công nhân, viên chức quốc phòng, ngay cả trong thời bình. Sự thấu hiểu đó chính là yếu tố cần có để mỗi nhà báo - chiến sĩ dấn thân vào nghiệp làm báo trong môi trường Quân đội, góp phần tạo nên sức sống, chiều sâu và thậm chí là sự khác biệt cho mỗi tác phẩm báo chí, tạo nên phong cách cho mỗi nhà báo - chiến sĩ.

PV: Đồng chí có thể chia sẻ một kỷ niệm mang tính “sinh nghề, tử nghiệp” trong quãng đời làm báo?

Nhà báo Văn Chung: Hành trình 35 năm làm báo của tôi để lại rất nhiều kỷ niệm không thể quên, trong đó có cả những rủi ro nghề nghiệp. Có lần, tôi đến một điểm chốt tiền tiêu của Trung đoàn 42 (thuộc Sư đoàn 327, Quân đoàn 14) để lấy tư liệu viết bài, chụp ảnh gương chiến đấu tập thể vừa lập công hôm trước. Theo đề nghị của tôi, đồng chí trung đội trưởng đưa tổ chốt ra vị trí chiến hào tiền tiêu, bố trí đội hình phòng ngự, có 3 chiến sĩ giữ súng AK, trung liên RPD và súng chống tăng B40. Trung đội trưởng lệnh khám súng bài bản, bảo đảm an toàn. Khi chụp ảnh, tôi chọn vị trí đứng chếch phía trước mũi súng AK một chút để lấy rõ mặt người chiến sĩ và hậu cảnh chiến sĩ vác khẩu B40 phía sau, rồi hô: “Tôi chuẩn bị chụp đấy, các đồng chí ở tư thế như chiến đấu nhé, một hai, ba...”. Thế là “pằng, pằng, pằng”... Loạt đạn tiểu liên từ khẩu AK vang lên chát chúa, bay sát mặt tôi. Thật hú vía! Chỉ sát chút nữa chắc tôi đã “đi xa” hơn 50 năm rồi. Kiểm tra lại thì ra, khám súng xong, khi nhảy xuống giao thông hào cơ động đến vị trí tiền tiêu, người chiến sĩ vô tình cầm nhầm khẩu súng của đồng đội. Súng trên chốt những ngày tháng đó luôn lắp căng băng đạn, nên đã xảy ra sự cố... Đúng là bài học nhớ đời!

PV: Trước yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội hiện nay, đồng chí có chia sẻ gì với thế hệ những người làm báo - chiến sĩ?

Nhà báo Văn Chung: Mỗi dịp như thế này là cơ hội để chúng ta có thể nói đôi điều về mình và đồng nghiệp. Đó là một chút tự hào, niềm vui chính đáng. Nhưng nhìn về chặng đường phía trước, chắn chắn các nhà báo còn đứng trong đội ngũ đều thấy trách nhiệm nặng nề hơn, phải cố gắng gấp đôi, gấp ba để tránh tụt hậu.

Người làm báo không thể tụt hậu. Vì tụt hậu thì không thể là người chiến sĩ xung kích. Với tinh thần ấy, tôi tin rằng các nhà báo - chiến sĩ trẻ hôm nay sẽ nỗ lực vươn lên bằng thực lực và tâm huyết, danh dự và trách nhiệm, với tinh thần biết nhiều thứ để giỏi một nghề: Làm báo.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Lê Thiết Hùng (thực hiện)