
CCB Lâm Thiện Tất (bên phải) và CCB Trương Văn Long đã đấu tranh chống tham nhũng tại Công ty TNHH MTV Công trình đô thị Mỹ Tho.
LTS: Tham nhũng, tiêu cực, lãng phí được Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi là “giặc nội xâm” nguy hiểm không kém giặc ngoại xâm. Nhiều năm qua, Đảng ta kiên quyết, kiên trì, không ngừng lãnh đạo cuộc đấu tranh này và đã thu được nhiều thắng lợi quan trọng. Các cựu chiến binh (CCB), những người đã chiến đấu và chiến thắng trong các cuộc chiến chống giặc ngoại xâm lại tiên phong, xung kích trên tuyến đầu, bền bỉ chống “giặc nội xâm”.
Loạt bài này sẽ phân tích những “trận đánh then chốt”, rút ra bài học kinh nghiệm về chiến thuật và kiến nghị “phương thức tác chiến” mới giúp các CCB chiến thắng trên trận tuyến chống “giặc nội xâm”.
Bài 1: Những “trận đánh” cam go, quyết liệt
Từ chiến trường và thao trường về với cuộc sống đời thường, tuyệt đại đa số các CCB đều giữ vững và phát huy bản chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, gương mẫu trong các phong trào thi đua yêu nước. Đặc biệt các CCB đã trở thành lực lượng nòng cốt trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và là “tác giả” của nhiều “trận đánh” cam go, quyết liệt trên trận tuyến chống “giặc nội xâm”.
Xung kích trên tuyến đầu chống “giặc nội xâm”
Gần 10 năm đã trôi qua, thế nhưng cái tên CCB Phạm Văn Yên xung kích trên tuyến đầu chống “giặc nội xâm” vẫn in đậm trong tâm chí của người dân xã Vũ Xá (Lục Nam, Bắc Giang). Ông Yên từng tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước. Khi đất nước sạch bóng giặc ngoại xâm, trở về quê nhà, ông lại tích cực đi đầu đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực.
Khi phát hiện tham nhũng tiêu cực ở cơ sở, việc đầu tiên là ông góp ý, nếu người trong cuộc tiếp thu, khắc phục, sửa chữa thì thôi. Trái lại ông kiên quyết làm rõ đúng - sai. Vụ việc nào ở xã giải quyết không thỏa đáng, ông lên huyện. Nếu huyện giải quyết chưa thấu lý, đạt tình, ông đến cấp cao hơn. Từ nhà lên huyện hơn 10km, vì thế để dự buổi tiếp công dân của UBND huyện, ông phải đi xe đạp từ 4-5 giờ sáng, nếu ở tỉnh phải cơm nắm, muối vừng đi từ chiều hôm trước.
Từ những lá đơn tố cáo tham nhũng của ông, nhiều cán bộ chủ chốt xã Vũ Xá bị xử lý kỷ luật. Các đối tượng vi phạm còn phải nộp lại toàn bộ tiền, tài sản tham nhũng, thu - chi trái nguyên tắc.
Từng là Bộ đội Cụ Hồ tham gia chiến đấu, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, ông Trương Văn Long trở về Tiền Giang vào làm việc tại Công ty TNHH MTV Công trình đô thị Mỹ Tho (Công ty Công trình đô thị Mỹ Tho). Quá trình làm việc, phát hiện lãnh đạo cơ quan có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực, ông đã tiên phong tố cáo đến cơ quan chức năng ở tỉnh Tiền Giang.
Trong quá trình đấu tranh chống tham nhũng, ông Long bị lãnh đạo doanh nghiệp cách chức Đội phó, điều đi quét rác, nhưng ông không sợ. “Ở chiến trường, đạn lửa tôi không sợ, chẳng lẽ đấu tranh vì người lao động mà lại sợ. Nghĩ vậy, tôi quyết đấu tranh đến cùng” - ông Long nói.
Không đơn độc trên mặt trận chống tham nhũng, ông Long còn có đồng đội là ông Lâm Thiện Tất - cũng là CCB trở về từ chiến trường Campuchia - kề vai sát cánh.
“Khi viết đơn tố cáo dấu hiệu tham nhũng đến Thanh tra tỉnh Tiền Giang và Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tiền Giang, công ty vu oan tôi thiếu nợ tiền điện của công ty và cho cắt điện. Đấu tranh chống tham nhũng, không có ngày nào chúng tôi được yên. Họ tìm mọi cách trù dập...” - ông Tất kể.
Theo đơn tố cáo của hai CCB, cơ quan chức năng vào cuộc đã kết luận hàng loạt sai phạm xảy ra tại Công ty Công trình đô thị Mỹ Tho, lãnh đạo công ty bị truy tố. Ông Tất và ông Long được minh oan, được Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang tặng Bằng khen vì đã có thành tích trong việc tố cáo hành vi làm trái các quy định của pháp luật và có dấu hiệu tham nhũng.
Chấp nhận hy sinh để chiến đấu với “giặc nội xâm”
Cách đây hơn 10 năm, dư luận trong nước đã “dậy sóng” khi được tin CCB Trần Hữu Sửu ở xã Hiến Sơn (Đô Lương, Nghệ An) vừa được tỉnh Nghệ An vinh danh là 1 trong 18 gương điển hình chống tham nhũng đã bị hai kẻ lạ mặt xông vào nhà chém trọng thương.
Hồi đó, vừa rời quân ngũ, về địa phương, CCB Trần Hữu Sửu đã tham gia ngay vào các phong trào thi đua ở địa phương. Thế nhưng, khi phát hiện một số cán bộ xã tiêu cực, anh đã thẳng thắn đấu tranh, vạch rõ những sai phạm như quyết toán khống công trình xây dựng thủy lợi; UBND xã bán 286 suất đất, nhưng nộp vào ngân sách chỉ được 11 suất; thông đồng với một số cán bộ thoái hóa, biến chất làm hồ sơ thương binh giả...
Với những chứng cứ rõ ràng, nhiều cán bộ xã Hiến Sơn bị xử lý kỷ luật, nhiều tiền, đất tham nhũng đã được trả lại cho Nhà nước. Mỗi người dân trong xã cũng được trả lại 10kg thóc vì bị thu vượt mức đóng góp xây dựng trường học...
Cũng từ chiến trường trở về, CCB Trần Văn Bính ở phường Hoàng Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội) mang trong mình chất độc da cam mức độ 2, nhưng vẫn kiên trì chống tiêu cực, bất chấp sự đe dọa hay những lời đề nghị ngon ngọt. Rất nhiều vụ việc nhờ ông đấu tranh đã được giải quyết, góp phần ổn định lòng dân. Đã từng bị các đối tượng đánh hỏng mắt phải với thương tật 21%, nhưng ông Trần Văn Bính vẫn không ngại đấu tranh. Ông Trần Văn Bính trăn trở: “Lực cản cho việc đấu tranh chống tiêu cực hiện nay, một số đảng viên tại địa phương ngại đấu tranh, gia đình ngại va chạm. Với tôi, việc gì lợi cho dân, cho đất nước thì làm, dù thế nào tôi cũng làm”.
Với 8 triệu đồng tiền bán bò và tiền tiết kiệm, CCB Nguyễn Kim Hợp ở xã Phú Phong (Hương Khê, Hà Tĩnh) đã mua máy ảnh, máy ghi âm và các Bộ luật có liên quan đến phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Nhờ số “vũ khí đặc chủng” này cộng với “trái tim của Bộ đội Cụ Hồ” mà CCB đã giúp UBND huyện Hương Khê ra quyết định thu hồi gần 8.000m2 đất của các “quan tham” ở xã Phú Phong.
Năm 1999, khi giữ cương vị làm Phó chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp xã Ninh Tiến (TP. Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình), CCB Đàm Tiến Chiêm phát hiện nhiều cán bộ lạm dụng chức quyền chiếm đoạt 5% đất của xã làm của riêng. Khi ông và các xã viên đấu tranh chống tiêu cực, có nhiều đối tượng đã đến gặp ông dụ dỗ, không được thì đe dọa. Nhưng với “tinh thần thép” của người chiến sĩ, ông không cho phép mình chùn bước. Vì việc làm này, ông Chiêm trở thành “vật cản” trong mắt một số cán bộ thoái hóa, biến chất ở địa phương.
Năm 2015, chi ủy đặt vấn đề với ông không tham gia ứng cử vào vị trí Phó giám đốc Hợp tác xã với lý do ông đã cao tuổi. Tuy nhiên, khi ra Đại hội, ông vẫn được các xã viên tín nhiệm và được bầu vào vị trí này. Lấy lý do ông không chấp hành nghị quyết của chi bộ, chi ủy đã ra quyết định kỷ luật ông. Sau đó, cấp ủy lại đề xuất khai trừ ông ra khỏi Đảng. Điều đáng buồn là tổ chức Đảng các cấp cũng thống nhất theo đề xuất này, dẫn đến việc Ban Thường vụ Thành ủy Ninh Bình ra quyết định xóa tên đảng viên Đàm Tiến Chiêm.
Không chùn bước, CCB Đàm Tiến Chiêm kiên trì, bền bỉ đấu tranh và sau nhiều năm, đến năm 2018, quyền đảng viên của ông đã được khôi phục. Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình lúc đó là đồng chí Nguyễn Thị Thanh (nay là Phó chủ tịch Quốc hội) đã bày tỏ sự nể trọng đối với ông, bởi vì lòng tự trọng và danh dự của đảng viên, ông đã đấu tranh tìm lại sự trong sạch cho chính mình và cũng là góp phần củng cố niềm tin trong Đảng.
Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, các cựu chiến binh luôn luôn thể hiện bản lĩnh vững vàng, gương mẫu trong mọi hoạt động; kiên quyết đấu tranh với các thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch; đấu tranh bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đất nước; tích cực chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ và khối đại đoàn kết toàn dân tộc; góp phần giữ vững ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội.
Tổng Bí thư Tô Lâm
(Còn nữa)
Đỗ Phú Thọ