Hầu hết các loại rau sống đều có chứa các thành phần tốt cho sức khỏe, cung cấp lượng chất dinh dưỡng và chất chống oxy hóa dồi dào, giúp cơ thể chống lại bệnh tật. Ăn rau sống, các vitamin trong rau được bảo toàn nguyên vẹn, ít hao hụt so với khi nấu chín. Tuy nhiên, vì các loại rau không qua chế biến nên có khả năng tồn tại nguy cơ nhiễm ký sinh trùng, giun sán, nhất là những loại rau trồng ở môi trường không đảm bảo an toàn và sơ chế không đúng cách.

Theo nghiên cứu, ở nước ta rau củ tươi có chứa rất nhiều loại ký sinh trùng như giun kim, giun tóc, giun móc, trứng giun đũa chó, sán lá gan, ký sinh trùng amip gây bệnh lỵ... nhất là các loại rau trồng gần khu vực có nguồn nước, đất bị ô nhiễm. Các loại củ quả, tỷ lệ nhiễm giun sán hoặc các ký sinh khác là có, nhưng ít hơn so với rau xanh.

Ở những người nhiễm giun sán, triệu chứng thường gặp là: Suy dinh dưỡng, tay chân còi cọc, bụng bủng beo, đau bụng, tiêu chảy thường xuyên, ngứa hậu môn, buồn nôn...

Để phòng ngừa nguy cơ nhiễm giun sán hoặc ký sinh trùng, bạn có thể lựa chọn nguyên liệu đảm bảo chất lượng, sơ chế và chế biến một cách sạch sẽ. Lựa chọn rau củ sạch, không bị hỏng hoặc thối, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Tránh rau củ trồng ở những khu vực có chất lượng đất, nước kém và bị ô nhiễm. Trước khi ăn hay ép lấy nước từ rau củ cần rửa nguyên liệu trực tiếp dưới vòi nước chảy, điều này khá hữu ích trong việc loại bỏ giun sán, ký sinh trùng cũng như hóa chất tồn dư. Rau, quả ăn sống phải được ngâm và rửa kỹ bằng nước sạch. Quả nên gọt vỏ trước khi ăn.

Tuy nhiên, một số loại rau chứa các loại ký sinh trùng khó làm sạch bằng nước như sán lá gan, do đó mọi người không nên dùng các loại rau này để làm nước ép, chẳng hạn như rau muống, rau ngổ, rau rút (rau nhút)... Nên thay thế bằng các loại rau có tính an toàn cao như cải kale, cần tây, rau bina, cỏ lúa mì, dưa chuột, rau mùi tây, bạc hà... Ngoài ra, khi chế biến thực phẩm cần rửa tay sạch sẽ với xà phòng để tránh nhiễm khuẩn. Nếu bạn thường xuyên ăn rau sống, salad, nước ép rau củ quả tươi, việc tẩy giun 6 tháng/lần là cần thiết, điều này để phòng tránh nguy cơ nhiễm giun sán.

Minh Anh

Bột sắn dây - thức uống giải nhiệt

Trong Đông y, sắn dây là một vị thuốc nổi tiếng có rất nhiều công dụng khác nhau. Sắn dây có thể dùng như một loại thuốc chữa cảm sốt, nhức đầu, khát nước, mụn nhọt, chống lão hóa, giải độc, giải rượu... Đặc biệt, sắn dây là thức uống giải nhiệt rất tốt mùa hè. Bạn có thể tham khảo:

Nước sắn dây: Cách dùng: Lấy 3 thìa cà phê bột sắn dây, thêm đường trắng hòa với nước lọc, quấy đều rồi uống, có thể thêm một chút nước cốt chanh. Công dụng: Giải biểu, tuyên độc, sinh tân, tán nhiệt.

Cháo sắn dây: Thành phần: Bột sắn dây 30g, gạo tẻ 50g. Cách thực hiện: Gạo ngâm nước một đêm, đem nấu cùng bột sắn thêm một chút đường để ăn. Công dụng: Phù hợp cho tình trạng bệnh nhân sốt, mệt mỏi, kiết lỵ, ăn uống kém.

Nước rau má sắn dây: Thành phần: Rau má tươi 20-30g, bột sắn 20g. Cách dùng: Rau má rửa sạch, giã nát thêm 100-200ml nước sôi, gạn lấy nước hòa với bột sắn uống, có thể thêm đường cho dễ uống. Công dụng: Dùng khi bệnh nhân sốt, mụn nhọt, kiết lỵ ra máu, nóng trong hay khát nước.

Nấu chè bột sắn dây: Thành phần: Bột sắn dây 3 thìa, nước 200ml, đường trắng 2 thìa. Cách dùng: Cho nước, bột sắn dây, đường vào trong nồi, quấy đều cho đến khi bột sắn không còn vón cục. Đặt lên bếp đun nhỏ lửa, dùng thìa đũa quấy đều, đun đến khi bột sắn quánh lại, chuyển sang màu trắng trong thì tắt bếp.

Lưu ý: Lựa chọn nguồn cung cấp sắn dây uy tín, đảm bảo chất lượng, tránh mua hàng giả. Trẻ em, phụ nữ mang thai, cơ thể bị lạnh, mệt mỏi, người động thai, người có bụng yếu, tiêu chảy, chân tay lạnh không nên dùng.

Mỗi ngày chỉ nên uống 1 cốc sắn dây, pha với lượng đường vừa phải.

Hải Tiến