
Cục trưởng Cục Thống kê (Bộ Tài chính), bà Nguyễn Thị Hương phát biểu tại Lễ ra quân
Mặt trời vừa nhô lên khỏi những thửa ruộng còn lấp lánh những giọt mưa đêm, xã Thọ Phú (Thanh Hóa) đã rộn ràng trong một ngày đặc biệt – ngày lễ ra quân Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp (ngày 1-7-2025).
Những hàng cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió nhẹ, từng băng rôn tuyên truyền được căng đều từ cổng xã đến hội trường, tạo nên một khung cảnh vừa trang trọng, vừa gần gũi. Người dân, cán bộ xã, các điều tra viên tề tựu đầy háo hức, chuẩn bị cho một sự kiện quan trọng.
Bà Nguyễn Thị Hương – Cục trưởng Cục Thống kê (Bộ Tài chính) nhấn mạnh: Lễ ra quân giúp các cấp lãnh đạo và toàn hệ thống chính trị trong tỉnh hiểu được tầm quan trọng của cuộc Tổng điều tra, chỉ đạo thực hiện tốt cuộc Tổng điều tra, góp phần quan trọngvào thành công của cuộc Tổng điều tra ở địa phương. Thành công của cuộc tổng điều tra phụ thuộc vào sự ủng hộ, hợp tác và vào cuộc của người dân, của chính quyền địa phương. Để tổng điều tra thành công, công tác truyển thông rất quan trọng, nên đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện thông tin truyền thông, Đài phát thanh, truyền hình các tỉnh, truyền thanh các xã và tăng cường lan tỏa thông tin Tổng điều tra trên các nền tảng mạng xã hội (Facebook, Zalo, Fanpage cơ quan, hội nhóm địa phương...).
Ông Thái Bá Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thống kê tỉnh Thanh Hoá cho biết: Để thu thập đầy đủ dữ liệu thống kê, tỉnh Thanh Hoá sẽ tiến hành điều tra trên 4.663 địa bàn và gần 700 nghìn hộ dân trên toàn tỉnh. Trong bối cảnh các địa phương vừa sáp nhập đơn vị hành chính, khối lượng công việc lớn càng đòi hỏi sự chuẩn bị bài bản, kỹ lưỡng về cả nhân lực, cơ sở vật chất, công nghệ, truyền thông. Sau sắp xếp lại bộ máy hành chính, Tỉnh Thanh Hóa còn 166 xã phường, quy mô cấp xã lớn thứ hai cả nước, sau Thành phố Hồ Chí Minh. Toàn tỉnh có gần 700.000 hộ trong diện điều tra lần này. Trong đó có 967 trang trại cũng sản xuất là nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, và doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp thủy sản là 1261 doanh nghiệp và hợp tác xã là có 712 hợp tác xã.

Lễ ra quân được tổ chức tại Thanh Hóa- xã Thọ Phú được lựa chọn không phải ngẫu nhiên. Chính tại mảnh đất giàu truyền thống nông nghiệp này, Bộ Tài chính và Tổng cục Thống kê đã chọn để khởi động cuộc tổng điều tra quan trọng nhất trong năm – một cuộc “thăm khám tổng thể” cho khu vực nông nghiệp – nông thôn Việt Nam. Chọn Thanh Hóa bởi đây là tỉnh nông nghiệp thuộc Bắc Trung Bộ, đất rộng địa hình đa dạng, dân số đông (đứng thứ 13 toàn quốc), nhiều đơn vị hành chính với 166 xã. Cùng với công cuộc đổi mới của đất nước, Thanh Hóa đã thực hiện chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, bộ mặt nông thôn đổi mới, an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội được giữ vững, sự nghiệp CNH, HĐH đã có bước phát triển vượt bậc.
“Tổng điều tra năm 2025 là một trong ba cuộc tổng điều tra thống kê quốc gia có quy mô lớn và có ý nghĩa hết sức quan trọng… Đây là lần điều tra thứ sáu kể từ năm 1994, được tổ chức trong bối cảnh Việt Nam đẩy mạnh chuyển đổi xanh, phát triển nông nghiệp bền vững…

Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025 là một trong ba cuộc điều tra thống kê quốc gia có quy mô lớn và sức ảnh hưởng sâu rộng. Cục trưởng Cục Thống kê – TS. Nguyễn Thị Hương khẳng định: "Cuộc điều tra lần này không chỉ giúp định hình các chiến lược phát triển nông thôn và nông nghiệp, mà còn phục vụ các cam kết quốc tế về chuyển đổi xanh, giảm nghèo, biến đổi khí hậu”.
Cuộc điều tra mang tính toàn diện khi thu thập thông tin về kết cấu hạ tầng, sản xuất, đời sống dân cư nông thôn… từ đó trở thành cơ sở khoa học giúp Chính phủ hoạch định chính sách phát triển vùng, xây dựng nông thôn mới, và bảo đảm an sinh xã hội bền vững.
Cuộc điều tra lần này không chỉ nhằm thống kê đơn thuần. Đây là cơ hội để Việt Nam rà soát toàn diện kết cấu hạ tầng, tình hình sản xuất, đời sống dân cư nông thôn và đặc biệt là tình hình thực tế của người lao động trong khu vực nông – lâm – ngư nghiệp. Những con số sẽ “lên tiếng” giúp hoạch định các chiến lược phát triển, xây dựng chính sách giảm nghèo, thích ứng biến đổi khí hậu và hướng đến mục tiêu phát triển nông thôn mới bền vững.

Kết quả của cuộc tổng điều tra nhằm mục đích biên soạn các chỉ tiêu thống kê liên quan thuộc Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia; Biên soạn các chỉ tiêu kinh tế - xã hội phục vụ việc đánh giá thực trạng, phân tích xu hướng biến đổi, xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển nông thôn, khu vực nông lâm, thủy sản và cải thiện mức sống dân cư nông thôn trên phạm vi cả nước cũng như của từng địa phương.
Tại Lễ ra quân, Chủ tịch UBND xã Thọ Phúc phát biểu: “Hôm nay, ngày đầu tiên đi vào hoạt động của Chính quyền địa phương hai cấp; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Thọ Phú rất vui mừng và vinh dự được Tỉnh và Trung ương chọn là địa điểm tổ chức Lễ ra quân Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025 cấp Trung ương”, ông…. Xã Thọ phú nằm ở phía Tây của tỉnh Thanh Hóa, cách trung tâm tỉnh Thanh Hóa 22km, có diện tích tự nhiên là 35,12km2, số đơn vị cấp thôn là 40 thôn với 9.326 hộ và 32.321 nhân khẩu thường trú.
Để tiến hành cuộc Tổng điều tra, trước ngày ra quân, xã Thọ Phú đã thực hiện tốt khâu chuẩn bị cho cuộc tổng điều tra và tuyên truyền rộng đến nhân dân toàn xã.
Thông tin điều tra sẽ giúp các cấp ủy, chính quyền có cái nhìn đầy đủ, sát thực về thực trạng sản xuất, kết cấu hạ tầng, đời sống dân cư nông thôn, là cơ sở khoa học để xây dựng các chiến lược phát triển vùng, phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống người dân và đảm bảo an sinh xã hội một cách bền vững.
Cuộc điều tra còn diễn ra trong bối cảnh hành chính chưa từng có tiền lệ – cả nước đang thực hiện chủ trương sáp nhập các cấp hành chính, từ 63 tỉnh thành còn lại 34 đơn vị. Chính quyền hai cấp chính thức vận hành.
Đây là một thách thức lớn, nhưng ngành Thống kê đã “đi trước một bước”, chuẩn bị để đảm bảo số liệu được thu thập phản ánh chính xác cả quá khứ lẫn hiện tại.
Một trong những điểm sáng tạo nổi bật của TĐTNN 2025 là việc ứng dụng công nghệ thông tin: thu thập dữ liệu bằng phiếu điện tử CAPI và Webform, kết hợp khai thác nguồn dữ liệu hành chính hiện có. Nhờ vậy, giảm tối đa phiền hà cho người dân, rút ngắn thời gian thu thập thông tin và nâng cao độ chính xác trong xử lý số liệu.
Các điều tra viên giờ đây không còn mang theo giấy tờ cồng kềnh mà sử dụng máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh để thực hiện phiếu khảo sát.
Bài và ảnh: Hà Linh